Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng bơm ròng gần 470.000 tỷ đồng sau nửa năm

Theo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến giữa tháng 6 đã đạt 5,1%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng cùng kỳ năm 2020 là 2,26%.

Đây là chia sẻ của Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại buổi họp báo thông tin điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm diễn ra hôm nay (21/6).

Theo Phó thống đốc NHNN, nửa đầu năm nay, cơ quan quản lý tiền tệ vẫn tiếp tục duy trì quan điểm điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, duy trì thanh khoản hệ thống, đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, thanh khoản góp phần ổn định thị trường và phục hồi sau dịch Covid-19.

Đến ngày 15/6, tổng phương tiện thanh toán M2 đã tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020.

“Thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục dồi dào và ổn định, tỷ lệ dự trữ bắt buộc NHNN áp dụng tại các ngân hàng thương mại cũng có dôi dư, cho thấy thanh khoản của toàn nền kinh tế, các ngân hàng vẫn rất ổn định”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Tang truong tin dung dat 5, 1% anh 1

Tăng trưởng tín dụng đến 15/6 năm nay đã đạt 5,1%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Hoàng Hà.

Về tín dụng, lãnh đạo NHNN cho biết cơ quan quản lý vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng chú trọng tăng trưởng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Cùng với đó, các ngân hàng cũng phải thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.

Đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế cũng đã tăng 5,1% so với cuối năm 2020. Nếu so với mức tăng cùng kỳ năm 2020 là 2,26%, mức tăng nửa đầu năm nay đã cao hơn gấp đôi, bất chấp tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp.

Nếu tính theo số tuyệt đối, mức tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 6 kể trên tương đương việc các ngân hàng đã bơm ròng hơn 468.800 tỷ đồng ra nền kinh tế qua kênh cho vay.

“Với mức tăng trưởng nửa năm như vậy, con số tăng trưởng tín dụng kế hoạch 12% cho năm nay có thể đạt được. Thậm chí, nếu giữ xu hướng khống chế tốt được dịch bệnh hơn nữa, NHNN có thể xem xét mở rộng tín dụng cao hơn con số 12% kể trên”, Phó thống đốc khẳng định.

Về điều hành lãi suất, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết nửa đầu năm nay NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG 6 THÁNG HÀNG NĂM
Nguồn: SBV, tổng hợp, số liệu năm 2021 tính đến 15/6
Nhãn2015201620172018201920202021
Tăng trưởng tín dụng % 7.868.219.017.827.362.265.1

Trên cơ sở 3 lần giảm lãi suất điều hành năm 2020, 6 tháng qua cơ quan này tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp.

Dù lãi suất huy động có ghi nhận tăng tại một số ngân hàng thương mại nhưng nhìn chung mặt bằng tại 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và 1 số ngân hàng thương mại lớn vẫn duy trì ổn định và giảm so với cuối năm 2020.

Đến cuối tháng 4, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm khoảng 0,3%/năm so với cuối năm 2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm, lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3-6%/năm.

Cập nhật số liệu về hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Phó thống đốc cho biết NHNN đã ban hành Thông tư 03 hỗ trợ thêm nhiều khách hàng doanh nghiệp hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền để phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại. Qua đó, giúp các ngân hàng thương mại có điều kiện hỗ trợ khách hàng cụ thể hơn.

Đến hết tháng 5, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1,277 triệu tỷ; cho vay mới với lãi suất thấp hơn trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt hơn 3,508 triệu tỷ đồng.

Người dân ít gửi tiền ngân hàng

Tăng trưởng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 2,34%. Đây là năm thứ 5 liên tiếp mức tăng trưởng này có xu hướng thấp dần.

Vì sao giá cổ phiếu ngân hàng tăng hàng chục phần trăm?

Tăng trưởng tín dụng cải thiện từ đầu năm, kết quả kinh doanh ấn tượng và kế hoạch tăng vốn lớn của các ngân hàng giúp giá cổ phiếu tăng trưởng ấn tượng thời gian qua.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm