Nhiều người nhầm tưởng rằng để thấy tương lai của ngành ngân hàng, bạn phải đến Thung lũng Silicon hoặc trung tâm tài chính Manhattan hiện đại, hào nhoáng. Thực tế hoàn toàn trái ngược.
Hãy làm một vòng xe đi qua cầu George Washington để đến với Fort Lee, một quận có vẻ khiêm nhường thuộc tiểu bang New Jersey. Trên con đường chính vẫn thường tắc nghẽn, hãy nhìn sang phía tay trái bạn hoặc tự mình đi vào xa lộ Interstate 95, bạn sẽ thấy một tòa nhà văn phòng bằng đá granit màu đỏ. Nằm trên tầng 14, sở hữu tầm nhìn ra quảng trường thu phí bận rộn nhất nước Mỹ là trụ sở của một ngân hàng quy mô nhỏ, Cross River.
Ngân hàng giao dịch không một bóng người
Ngân hàng này có giấy phép đăng ký hoạt động hợp pháp và được bảo hiểm bởi quỹ Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ - FDIC.
Tuy nhiên, Cross River không phải là một ngân hàng giao dịch bình thường. Không có giao dịch viên ở đây, cũng không có ATM hay tủ ký gửi bảo đảm.
Ngân hàng "ảo" Cross River cung cấp các dịch vụ tài chính bằng cách liên kết với các Fintech. Ảnh: Globest. |
Thay vào đó, có 175 nhân viên ngân hàng và nhân viên kinh doanh ngồi san sát trong văn phòng có diện tích hơn 2.100 m2, căng thẳng nhìn vào hàng trăm màn hình máy tính cố định. Trung bình cứ mỗi bàn làm việc sẽ có 3 chiếc máy tính. Ngoài ra cũng có những vật dụng điển hình cho những văn phòng bận rộn, cà phê và nước lọc cùng một phòng giải trí…
Thực chất, Cross River đang thực hiện tham vọng len lỏi vào các thị trường ngách của hoạt động cho vay. Với các khoản cho vay bảo lãnh với mức lãi lên tới 1 tỷ USD/tháng trên mỗi khoản vay trị giá khoảng 30 tỷ USD, thời hạn 9 năm.
Khác với các ngân hàng truyền thống, hầu hết “nhân viên” kinh doanh của ngân hàng này không phải là con người, mà dựa trên các ứng dụng công nghệ.
Các khoản vay của Cross River phát sinh phần lớn từ khoảng 15 công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính - fintech. Các startup này đều nhận nguồn đầu tư mạo hiểm như Affirm, Best Egg, Upgrade, Upstart và LendingUSA. Chính các startup này chịu trách nhiệm khai thác khách hàng trong khi Cross River đảm bảo giấy phép và cơ sở hạ tầng cần thiết. Trên mỗi khoản vay cấp ra thì Cross River sẽ sở hữu từ 10% đến 20%. Nhờ khối lượng cho vay khổng lồ từ liên kết này, giá trị tổng tài sản của Cross River tăng vọt lên 2 tỷ USD, tăng 2.000% so với 100 triệu USD vào một thập kỷ trước.
Cú bắt tay bí mật?
Nói về cơ chế kinh doanh này, Giám đốc điều hành Gilles Gade cho biết: “Chúng tôi đang trong thời đại dịch chuyển, (ngành ngân hàng) đã không còn là công nghiệp giữ hộ tài sản nữa. Chúng tôi thực hiện chuyển giao tài sản bằng cách huy động (vốn), kết hợp và phân loại trước khi cung cấp ra thị trường”.
Tuy nhiên, CEO Gade vẫn còn khá mập mờ khi nói về vai trò của Cross River trong thời đại bùng nổ công nghệ tài chính.
Thực tế, các ngân hàng truyền thống cũng như các định chế tài chính vẫn phải tuân thủ các quy định hoạt động và khung pháp lý ngặt nghèo, đặc biệt là quy chế về cho vay và tín dụng.
Trong khi đó, các fintech vẫn là “người mới”, chưa có những ràng buộc tương xứng. Lợi dụng điều này, thay vì lo ngại sự cạnh tranh trên thị trường tài chính từ các startup công nghệ thì các ngân hàng đang bí mật bắt tay với công ty fintech.
Tuy nhiên, bí mật này này khó có thể giấu kín. Chỉ cần lần lướt qua các ứng dụng trên điện thoại hay khai thác cách thức, quy trình cho vay trên các ứng dụng AI, dễ nhận ra rằng đó chẳng qua chỉ là hình thức cho vay trá hình dưới cái mác công nghệ của một ngân hàng được cấp phép.
Đặt trụ sở tại quận Fort Lee, bang New Jersy, ngân hàng Cross River nuôi tham vọng độc tôn cung cấp nguồn tài chính cho các fintech toàn cầu. Ảnh: Cross River bank. |
Theo Accoji, kể từ năm 2010, một số công ty liên doanh ở Thung lũng Silicon đã chi tới 175 tỷ USD để xâm nhập vào hệ thống tài chính. Hiển nhiên, số vốn khổng lồ này đã khai sinh ra loạt các startup công nghệ mới.
Tất nhiên, vụ bong bóng định giá “ảo” với WeWork đã phần nào bóc trần cái mác công ty công nghệ với công chúng đầu tư.
Đội lốt công nghệ câu khách?
Hãy tưởng tượng, khi bạn có nhu cầu mua chiếc xe đạp nhãn hiện Pelonton, bạn có thể thanh toán bằng khoản vay trả góp 2.000 USD không lãi suất trong vòng 39 tháng từ Cross River. Ban đầu, Cross River thực sự thực hiện khoản vay này. Nhưng vài ngày sau, khoản nợ này sẽ tự động được sang nhượng hoặc bán sang các công ty đầu tư hoặc quỹ phòng hộ thông qua fintech. Thậm chí, chúng còn có thể được chứng khoán hóa thành hàng nghìn khoản vay tiêu chuẩn trên thị trường.
Dễ dàng thấy rằng các ngân hàng có khuynh hướng giao dịch trên các cổ phiếu của công ty công nghệ, do đó nhiều startup cố gắng định hình mình như một công ty tài chính - fintech hơn là định chế tài chính.
Andrew Marquest thuộc hãng tư vấn ngân hàng Middlemarch Partners cho rằng: “Các công ty trên ra mắt thị trường đã định vị mình là công ty công nghệ. Tuy nhiên, thực tế là họ chỉ đang tận dụng công nghệ để cung cấp các giải pháp tài chính cũ, trong đó bao gồm hoạt động cho vay tiêu dùng”.
Từng làm việc tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ và BlackRock, Andrew nhấn mạnh thêm: “Các nhà đầu tư trên thị trường sẽ sớm nhận ra rằng đây không phải là công ty công nghệ, mà là một ngân hàng đúng bản chất”.
Sự đổ vỡ của "bong bóng" công nghệ
Tuy nhiên, mánh lới này không thể lợi dụng được lâu khi người đầu tư đã tỉnh táo hơn, nhiều kỳ lân công nghệ chuẩn bị chào bán ra công chúng đã nhận về những thất bại thảm hại.
Hãng LendingClub ra mắt công chúng vào năm 2014 với mức định giá 5,6 tỷ USD. Hiện nó chỉ còn vẻn vẹn 1,2 tỷ USD.
Trang cho vay trực tuyến Deck Capital, từng một thời bùng nổ với các khoản tài trợ doanh nghiệp nhỏ và cực nhanh cũng lao dốc từ định giá 1,9 tỷ USD năm 2014 xuống còn 290 triệu USD.
Bức tranh tương tự đang diễn ra tại các startup công nghệ được niêm yết khác như Funding Circle và GreenSky.
Theo tính toán của Forbes, thị trường đã xóa sổ tới 15,6 tỷ USD giá trị của các fintech trong thời gian qua. Những “tay chơi” máu mặt khác như Prosper Marketplace và LoanDepot vẫn đang lưỡng lự có nên tiếp tục nộp đơn IPO hay từ bỏ, và giữ kín bí mật kinh doanh của mình.
Viễn cảnh thổi giá trên thị trường gọi vốn không còn dễ dàng cho tất cả startup công nghệ.
Những rắc rối này có thể sẽ đến với Cross River. Một số fintech đã phải ngừng hoạt động, GreenSky và LendingClub trở thành vố đau đớn với các nhà đầu tư. Và làn sóng đổ vỡ được dự đoán sẽ lan rộng.
Thật đáng sợ rằng chỉ riêng 5 cái tên nhất trong làng fintech đã gọi vốn thành công 2,25 tỷ USD trong tổng giá trị là 50 tỷ USD. Sự thật rõ ràng là hàng rào kiểm soát thị trường hoạt động quá lỏng lẻo, ngay cả khi giá trị thị trường quá nóng và phía cầu vẫn ở mức thấp kỷ lục.
Dù các bóng đen đổ vỡ đang nhen nhóm, tại thời điểm này ở Fort Lee, công nghệ tài chính vẫn đang bùng nổ.
Một số dấu hiệu báo trước sự suy tàn trong tương lai gần. Hồ sơ tại cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ - FDIC cho thấy 60% các khoản vay cá nhân đến từ các đối tác cho vay fintech.
Một lượng lớn các khoản vay mà Cross River ghi nhận đang có lãi suất cao ngất, và chúng đang vi phạm quy định về trần lãi suất cho vay tại các bang như New York và Connecticut.
Cross River nhận vốn tài trợ vốn từ bên ngoài như Andreessen Horowitz và Battery Ventures, hai quỹ này đã tài trợ tới 28 triệu USD hồi cuối năm 2016.
Mới một năm trước, khi Cross River tiếp tục vòng gọi vốn hoạt động và được định giá gần 1 tỷ USD, quỹ KKR & Co. đã dẫn đầu trong các nhà đầu tư khi đổ vào tới 100 triệu USD. Tại thời điểm đó, Cross River có giá gấp tới 3 lần một ngân hàng địa phương có quy mô tương tự.
Tham vọng độc tôn thị trường
CEO Gade chỉ rõ: “Chiến lược của chúng tôi là trở thành nhà cung cấp dịch vụ tài chính duy nhất cho toàn bộ hệ sinh thái fintech trên toàn cầu… Thay đổi cuộc sống con người là động cơ tồn tại quan trọng nhất của chúng tôi”.
Sinh ra tại Pháp, Gade đã kinh qua những vị trí trong định chế tài chính truyền thống trước khi trở thành CEO của một hãng tài chính “ảo”.
Ông từng nắm giữ vị trí tư vấn tại ngân hàng Bear Stearns và Barclays, và giữ vị trí Giám đốc tài chính tại công ty cho vay thế chấp First Meridian, hãng phát hành các khoản vay cấp phép của quỹ Trump Financial.
Đến năm 2008, Gade đã gom 700.000 USD tiền tiết kiệm và huy động thêm 9 triệu USD từ bạn bè, người thân để đầu tư vào Cross Rive. Thời điểm đó, nó là một ngân hàng được cấp phép nhưng không hề có tài sản.
Trong năm đầu tiên hoạt động của Cross River, Gade và cộng sự trong nhóm chủ yếu giao dịch trái phiếu chính phủ. Hai năm sau đó, Gade nhận được lời mời cộng tác từ David Zalik thuộc công ty GreenSky, ngôi sao đang lên trong làng fintech thời điểm đó. Hãng này phát triển nhanh chóng bằng cách kết nối các nhà thầu hỗ trợ các khoản vay không lãi suất trong các dự án cải tạo nhà ở cho chính các chủ nhà. Từ đó, Gade bắt đầu tài trợ các khoản vay cho hãng GreenSky. Ông sớm nhận ra rằng các fintech có thể trở thành động cơ để Cross River bùng nổ.
Nhanh chóng sau đó, Gade phát triển theo hướng đổi mới hoạt động Cross River nhằm kết nối và phục vụ các fintech. Sự tham gia của Gade được coi là đúng thời điểm và đúng đối tượng. Vào những năm đầu 2010, nối tiếp sau sự đổ vỡ của khủng hoảng tài chính là lỗ hổng lòng tin sâu sắc của thị trường với các ngân hàng truyền thống. Người tiêu dùng thận trọng khi gửi tiền và ngừng tiêu tiền trong thẻ tín dụng. Và chính Cross River cùng một số ngân hàng đặc biệt khác như Utah - thuộc ngân hàng Celtic Bank và WebBank đã lợi dụng công nghệ tài chính để nhảy vào lấp đầy khoảng trống.
Nhờ kết nối với Fintech, giá trị các khoản vay của Cross River Bank gia tăng nhanh chóng vượt qua các rào cản pháp lý. Giá trị tài sản của ngân hàng này tăng tới 2000%. Ảnh: Valuewalk. |
Một số lợi ích thiết thực mà fintech mang lại khiến cho cuộc xâm nhập thị trường diễn ra thành công. Dựa trên công nghệ khai thác dữ liệu và sử dụng kinh tế học hành vi, nhiều công ty mới, như Acorns và Betterment nhanh chóng gia tăng giá trị tiền tiết kiệm và cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân hiệu quả hơn. Cho đến nay, ước tính Fintechs đã cung cấp 170 tỷ USD tái cấp vốn và cho vay trên thị trường.
Mọi thứ vẫn diễn ra suôn sẻ cho đến khi một số fintech khổng lồ và cồng kềnh như LendingClub ra mắt công chúng. Các nhà đầu tư ngoài thung lũng Silicon bắt đầu thận trọng nghiên cứu và dần phát hiện những vết rạn nứt trong chính nền móng hoạt động của chúng.
Nguy cơ lộ diện?
Cross River vẫn đang trên đà phát triển, như nằm ngoài xu hướng đứt vỡ của các fintech khác. Cùng thời điểm, các ngân hàng truyền thống đang nỗ lực bứt phá để cạnh tranh và tồn tại, thậm chí phải cấp ra các khoản vay không thế chấp, lãi suất cực thấp trong điều kiện bong bóng trên thị trường nhà đất. Để chạy đua, các fintech cũng bắt đầu tung ra các khoản tín dụng rủi ro cao hơn.
Năm ngoái, Freedom Financial, một trong những đối tác fintech lớn nhất của Cross River, phải nhận án phạt lên tới 20 triệu USD từ FDIC sau khi cơ quan quản lý xác định Cross River có hành vi “gian lận và lừa đảo” khi không giám sát hiệu quả các đối tác liên quan đến 24.000 khoản vay đã cấp. Cross River cũng phải thanh toán khoản tiền phạt 641.750 USD.
Tuy nhiên, Forbes cho rằng mối đe dọa lớn hơn mà fintech đang phải đối mặt chính là suy thoái kinh tế. Trong quý III năm 2019, Cross River báo cáo các khoản nợ xấu đã tăng gấp đôi, lên gần 2% tổng giá trị nợ. Lĩnh vực rủi ro nhất là bất động sản, trong đó 10% giá trị đã bị quá hạn và giá trị nợ xấu lên tới 17 triệu USD.
Nghiêm trọng hơn, kể từ quý III năm 2016, giá trị dự phòng rủi ro cho vay của Cross River cũng tăng vọt lên gấp đôi so với các khoản vay thông thường. Thậm chí gần đây, tỷ lệ thanh toán của khoản vay đáo hạn hoặc nợ xấu đã xử lý đã giảm từ 489% xuống chỉ còn 114%. Đây là kịch bản tồi tệ khi thị trường vĩ mô đang khá lý tưởng cho tín dụng - tỷ lệ thất nghiệp cực thấp trong lịch sử và lãi suất liên bang đang hạ.
Gilles Gade, CEO của Cross River. Ảnh: Forbes. |
Tuy nhiên, CEO Gade vẫn kiên trì thuyết phục rằng Cross River “chỉ đơn thuần là một công ty dịch vụ” và biện bạch: “doanh thu của hãng giữ vững tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 45%. Cho nên, viễn cảnh suy thoái kinh tế hay thậm chí là chu kỳ thoái trào của tín dụng không hề là điều đáng lo ngại với chúng tôi”.