Anh Trường, nhân viên phân phối một dự án nhà tại phía Tây Hà Nội sốt sắng nhiều ngày nay, khi khách hàng khá dè chừng với việc mua nhà. Chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm khách, anh cho biết, bên cạnh lý do trên, nhiều người cho hay không dám rót tiền thời điểm này, vì lo mua phải “nhà vẽ” trên giấy. “Có không ít người đã chắc chắn 90% sẽ tung tiền mua, nhưng khi nghe dự án vẫn còn đang xây thô, chưa bàn giao ngay thì lại lo, rồi đổi kế hoạch. Chỉ khổ nhân viên bọn mình bị áp chỉ tiêu hàng tháng mà không đạt được”, nhân viên môi giới này chia sẻ.
Còn anh Chiến, nhân viên tư vấn bất động sản cho một dự án vừa mở bán, cho biết ngay cả khi chắc chắn căn nhà định mua không là “bánh vẽ”, nhiều khách hàng cũng dè dặt với những dự án địa ốc. Theo anh Chiến, dự án anh đang chào bán khá chắc chắn về tiến độ, do ngân hàng đối tác rót tiền trực tiếp cho nhà thầu thi công, thay vì cho chủ đầu tư như những dự án thông thường khác. “Việc rót cho nhà thầu thi công sẽ đảm bảo dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ, còn nếu đưa tiền cho chủ đầu tư, khả năng hoạt động cũng chưa có gì là chắc chắn, vì có trường hợp chủ dự án đem tiền sử dụng cho mục đích khác”, nhân viên môi giới với gần 3 năm trong nghề chia sẻ.
Rốt ráo đẩy mạnh cho vay, một số ngân hàng đang chọn cách "bảo kê" cho dự án bất động sản để kích thích người dân, nhà đầu tư hào hứng. Ảnh minh họa: Tuấn Mark. |
Trong bối cảnh ngân hàng ồ ạt tung ra các khoản cho vay ưu đãi “ăn theo” gói hỗ trợ 30.000 tỷ, việc sáng tạo ra những hình thức liên kết mới lạ, trong đó có việc “bắt tay” trực tiếp với những doanh nghiệp xây dựng trở nên phổ biến hơn. Bằng cách rót vốn cho chủ đầu tư hoặc nhà thầu xây dựng, các ngân hàng vừa đảm bảo khoản tín dụng đi đúng địa chỉ, mục đích, vừa có thể tăng trưởng cho vay, tìm kiếm lợi nhuận.
Một cán bộ tín dụng ngân hàng BIDV tại khu vực Cầu Giấy, cho biết ngân hàng này đã triển khai rót vốn cho chủ đầu tư dự án được một thời gian, không chỉ với nhà ở thương mại mà còn nhà ở xã hội. “Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng đảm bảo cho cả khách hàng và chủ đầu tư. Phía khách hàng yên tâm hơn khi có ngân hàng là trung gian, không cần lo lắng việc chủ đầu tư cho ăn ‘bánh vẽ’ hoặc các rủi ro liên quan đến dự án định mua”, anh này chia sẻ về mục đích của việc liên kết với các chủ đầu tư.
Trong cuộc chạy đua đón đầu nhu cầu mua nhà ở của đại bộ phận người dân, nhiều ngân hàng còn kết hợp song song việc đảm bảo cho dự án và giảm lãi suất về mức thấp. Một lãnh đạo ngân hàng Đại Dương (OceanBank) thông tin, tại nhà băng này, mức lãi suất cho vay mua nhà gần như đang “phá giá” thị trường, khi được niêm yết từ 5,91%/năm, còn thấp hơn lãi suất huy động. Vị này cho hay, nhiều người cũng thắc mắc về mức lãi suất “siêu thấp” cho khách hàng mua nhà, song ngân hàng sẽ cân đối được khi có lợi ích đến từ các sản phẩm khách được khách hàng sử dụng trong thời gian dự án triển khai. Bản thân ngân hàng cũng tung ra gói dịch vụ tài chính mang tên “Niềm tin” để quản lý dòng tiền cho khách nộp vào mua nhà.
“Giải pháp quản lý dòng tiền này có thể giúp khách hàng yên tâm hơn khi đóng tiền vào những dự án bất động sản, vì chính ngân hàng sẽ bao quát được số tiền rót cho chủ đầu tư, chỉ giải ngân theo tiến độ xây dựng thay vì ồ ạt bơm vốn”, lãnh đạo này chia sẻ. Ông cũng nói thêm, OceanBank sẽ có đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước để thẩm định và đảm bảo chất lượng công trình của dự án, chứ không “làm liều”.
Dù thế, theo đánh giá của giới chuyên gia, rủi ro vẫn có thể xảy ra với khách hàng mua dự án, trong trường hợp dự án chính là “sân sau” của ngân hàng. “Ở trường hợp này, vốn thực chất chảy từ chỗ nọ qua chỗ kia, và không ai đảm bảo tiến độ sẽ được duy trì đúng. Vì có thể, việc rót vốn chỉ là bình phong, còn sau đó sử dụng vốn như thế nào cũng khó kiểm soát, bởi bản thân dự án và phía rót vốn có mối quan hệ khăng khít”, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nêu ý kiến.
Do đó, theo ông, khách hàng cần cân nhắc về việc ngân hàng “bảo kê” vốn cho dự án, bằng cách tìm hiểu kỹ lưỡng các thông tin cũng như hình thức rót vốn, giải ngân của nhà băng, nếu sát sao và đúng tiến độ có thể tin tưởng, ngược lại cần cẩn trọng.
Còn ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng chắc chắn nhất là phải tìm hiểu việc rót vốn cho dự án từ phía ngân hàng. Các ngân hàng cũng phải đảm bảo tiền vào đúng chỗ và khả năng chi trả, nói cách khác là tính thanh khoản của các dự án mà người đi vay là chủ đầu tư “cầu cứu” vốn từ chính các nhà băng. Nếu không xử lý tốt, tình trạng nợ đọng và là nợ xấu có thể xảy ra với những dự án này, và người đi mua là người chịu nhiều thiệt thòi nhất.