Vì sao ngân hàng ồ ạt cho vay siêu rẻ?
Nhiều ngân hàng tung ra chương trình vay ưu đãi với lãi suất rất thấp (7% hay 9,9%/năm) trong khi huy động còn ở mức cao. Chỉ thời gian ngắn trước đó, lãi vay vẫn 17-18%/năm.
Eximbank là nhà băng có chương trình ưu đãi lãi suất vay gây sốc nhất với 7%/năm và áp dụng cho tất cả khách hàng có phương án kinh doanh khả thi. Sau 2 tuần triển khai, số giải ngân xấp xỉ 2.700 tỷ đồng; trong đó, cá nhân hơn 30 người, doanh nghiệp gần 200.
Trong khi đó, Ngân hàng cổ phần Quốc tế (VIB) tung ra gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho khách vay mua nhà với lãi suất 9,9%/năm ở 3 tháng đầu tiên. Lãi suất này áp dụng với tất cả khoản vay, thay vì chỉ cho các căn nhà thuộc dự án VIB tài trợ. Mức cho vay mua nhà thông thường tại VIB khoảng 17-18%/năm.
Còn nếu vay mua nhà tại Techcombank, khách được hưởng lãi suất 12,99%/năm trong 3 tháng đầu, thấp hơn hơn 3% so với chưa ưu đãi (16-16,5%). Sau đó, 1 tháng 1 lần, nhà băng này sẽ điều chỉnh lãi suất. Trước đó, Techcombank thường có lãi suất vay cao hơn các ngân hàng khác từ 1-2%/ khi mặt bằng là 17-18%/năm nên mức ưu đãi với khách hàng mua nhà được coi là siêu thấp.
Lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường đang là 7%/năm. |
Không giảm xuống dưới 10%, song nhiều ngân hàng khác đang thu hẹp chênh lệch cho vay- huy động. Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang huy động tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên với lãi suất 10%/năm, nhưng cho vay mua nhà, xe là 12%/năm. 12%/năm cũng là lãi suất ông lớn Vietinbank dành cho khách cá nhân vay mua nhà. Gói tín dụng 5.000 tỷ đồng được nhà băng này đưa ra từ 2/7 kéo dài đến cuối năm, với giá trị cao nhất lên tới 25 tỷ đồng/món vay.
Tại Techcombank, lãi suất huy động cao nhất đến chiều 4/7 là 12,3%/năm (chỉ thấp hơn 0,69% so với cho vay), VPBank là 10% (thấp hơn cho vay 2%). Eximbank huy động dài hạn cao nhất 10,6%, trong khi cho vay thấp nhất 7%/năm. Còn Vietinbank huy động cao nhất 11%, cho vay 12%.
Tổng giám đốc một nhà băng tại Hà Nội cho biết, nếu tính giá vốn bình quân với nguồn mới huy động thì giá đầu vào (hòa đồng các nguồn), cộng chi phí và dự phòng rủi ro sẽ tương đương hoặc thấp hơn mức cho vay ưu đãi một chút. Tuy nhiên, vốn của các nhà băng hiện nay thực chất còn nhiều nguồn huy động từ trước với mức cao nên cho vay lãi suất ưu đãi với tất cả khách hàng sẽ lỗ nặng. "Ưu đãi trong vài tháng đầu tiên, với một nhóm khách hàng nhất định rồi điều chỉnh sau đó là biện pháp để kích cầu tín dụng mà không bị áp lực quá lớn", ông này nói.
Trong khi đó, ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc Eximbank bật mí, mức 7%/năm mà nhà băng này đưa ra thực chất là vay tiền đồng được đảm bảo bằng ngoại tệ. Nhờ có nguồn vốn ngoại tệ đầu vào rẻ và dồi dào từ các đối tác nước ngoài (chỉ 3,5-4%/năm) và tỷ giá ổn định nên Eximbank chuyển đổi sang tiền đồng để cho vay mọi đối tượng khách hàng với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, ông Phước cũng lưu ý là lãi suất vay thực tế có thể cao hơn nếu tỷ giá tăng.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB chia sẻ, chương trình cho vay ưu đãi 3 tháng đầu để mua nhà với lãi suất 9,9%/năm nhằm kích thích tín dụng tăng trưởng. "Vốn huy động vẫn tăng, nếu không cho vay được, ngân hàng cũng chết”, ông này nói. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB bổ sung, vấn đề khó nhất trong 6 tháng đầu năm của hầu hết ngân hàng là tăng trưởng tín dụng. Do đó, với những nhóm khách hàng tiềm năng, nhiều nhà băng tung gói cho vay lãi suất thấp cũng không có gì khó hiểu.
Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng một nhà băng ở Hà Nội nói thẳng, hiện nay, nhà băng nào cũng phải gắng sức đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bởi lợi nhuận phụ thuộc phần lớn vào cho vay mà 6 tháng đầu năm có ngân hàng còn tăng trưởng tín dụng âm. Trong những tháng cuối năm nếu tình hình này vẫn tiếp diễn thì kết quả sẽ rất xấu.
Một quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chung nhận định trên và bổ sung: "Tín dụng của toàn hệ thống tăng trưởng rất thấp, nhiều ngân hàng còn bị âm nên 'con bài' lãi suất thấp để kích thích cho vay được sử dụng đầu tiên".
Dù chưa công bố kết quả kinh doanh và lợi nhuận quý II nhưng lãnh đạo một số nhà băng lớn thuộc nhóm G14 (14 ngân hàng có quy mô lớn nhất) cho biết "sẽ không cao". Phó chủ tịch một ngân hàng thuộc nhóm này cho biết, lợi nhuận nhiều đơn vị nguy cơ giảm 20 - 30%. Ông này dự báo, trong 2 quý cuối năm, việc kinh doanh còn khó khăn hơn.
Với tín dụng, 5 tháng đầu năm, cho vay toàn hệ thống ngân hàng vẫn âm, đến tháng 6 mới nhích lên trên 0%. Tại Vietinbank, hết 3 tháng đầu năm, cho vay giảm 2,92%. Với Eximbank - ngân hàng đang cho vay siêu rẻ 7%/năm, mức âm tín dụng quý I lên tới 6,9%. Đến tháng 5, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này lên 2,4%, nhưng vẫn rất thấp so với hạn mức 17% được cấp cho cả năm.
LAN ANH
Theo Infonet