Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 diễn ra cùng ngày tại Trụ sở Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin tình hình kinh tế - xã hội đã chuyển biến rất tích cực.
Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện; theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục có bước tiến vượt bậc, tăng 14 bậc, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế.
"Trong 10 tháng, chúng ta có nhiều điểm nổi bật như kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số CPI tháng 10 tăng nhẹ với 0,41%. CPI có xu hướng giảm, tăng 3,71% so với năm 2016. Chỉ số công nghiệp 10 tháng tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong tháng 10, khai khoáng tăng trưởng dương được 2,1%. Trước đó, 9 tháng đã tăng trưởng âm", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Hiếu Công. |
Phiên họp Chính phủ tháng này diễn ra khi Quốc hội đang họp kỳ thứ 4 và vừa dành hai ngày rưỡi để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong thời gian tới; tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2017; thảo luận một số vấn đề thể chế, chính sách như đổi mới cơ chế hoạt động với các đại học công lập, nghị định về nông nghiệp hữu cơ, cơ chế chính sách thí điểm phát triển TPHCM; cắt giảm các loại phí, chi phí cho doanh nghiệp; tiếp tục khắc phục hậu quả bão, lũ vừa qua và phòng chống cơn bão số 12...
-
Hàng hoá sản xuất ngoài nước lấy nhãn mác trong nước
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết liên quan tới tình hình kinh tế-xã hội, trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán, Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Vừa qua có nhiều vụ việc nổi cộm trong vấn đề này như xăng A92 giả, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, tình trạng hàng hóa sản xuất ở nước ngoài gắn mác sản xuất tại Việt Nam và ngược lại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam gắn mác nước ngoài để bán, gây tổn hại đến sản xuất trong nước.
"Điều này đã gây ảnh hưởng không tốt, gây thiệt hại lớn tới sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới niềm tin người tiêu dùng", Người phát ngôn của Chính phủ nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin trong ngày 3/11, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm.
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học & công nghệ cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm. Các cơ quan hữu quan phải báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 15/12.
-
Báo Nông nghiệp Việt Nam: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có bình luận gì với kết quả thanh tra tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái? Thanh tra Chính phủ đánh giá thế nào về việc thực hiện kết luận thanh tra đối với ông Phạm Sỹ Quý?
Đại diện Thanh tra Chính phủ: Trân trọng cám ơn báo chí đã đưa tin, quan tâm tới việc kết luận thanh tra liên quan tới ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái.
Chúng tôi ghi nhận bước đầu UBND tỉnh Yên Bái đã khẩn trương thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Về tiến độ đối với việc xử lý, UBND tỉnh Yên Bái sẽ báo cáo trước ngày 31/11. Việc đánh giá kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ sẽ được đánh giá sau khi UBND tỉnh báo cáo.
Những vấn đề liên quan đến pháp luật tài sản, phòng chống tham nhũng… chúng tôi sẽ trao đổi thêm về mặt nghiệp vụ với các anh chị phóng viên.
-
Chậm nhất trong quý I/2018 sẽ IPO Tập đoàn Công nghiệp cao su
Báo Nông nghiệp Việt Nam: Liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam trong năm 2017?
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn: Tập đoàn Công nghiệp cao su được Thủ tướng quyết định cổ phấn hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối, dự kiến hoàn thành trong năm 2017.
Tuy nhiên vốn rất lớn, đất đai rất lớn, hàng trăm nghìn ha. Kể cả đất nông nghiệp và đất đô thị. Chúng ta đang xem xét cổ phần hóa nhưng đảm bảo được giá trị của đất và quyền sở hữu đất của Nhà nước. Tập đoàn này cũng có số lượng lao động rất lớn với khoảng 300.000 người chưa kể số lượng lớn người nhận khoán.
Chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế để người nhận khoán cũng có thể mua cổ phần ưu đãi. Chúng tôi cũng đã báo cáo Chính phủ. Chính phủ cũng có chỉ đạo cần phải kiểm toán tài chính do đó lộ trình bị kéo dài thêm một vài tháng. Trong tháng 9, Bộ NN cũng đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp và trình phương án cổ phần hóa.
Tập đoàn này sẽ tiến hành các bước còn lại của cổ phần hóa, trong đó có IPO. Có hoàn thành vào năm 2017 hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc có nhà đầu tư nào mua số vốn lớn với khối lượng lớn như vậy không. Nếu không bán lần một thì bán lần 2,3… Chúng tôi sẽ cố gắng chậm nhất trong quý I/2018.
-
Báo Vietnamnet: Mới đây đoàn giám sát của Quốc hội có đề nghị một số bộ có nhiệm vụ và chức năng tương đồng. Nghị quyết Trung ương 6 có đưa ra chủ trương xắp xếp một số ngành có chức năng tương đồng. Theo Bộ trưởng đánh giá có những bộ nào có chức năng tương đồng?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường: Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời vấn đề này bên hành lang Quốc hội.
Như chúng ta biết, Trung ương đã có Nghị quyết số 18-NQ/TW Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ soạn thảo chương trình hành động về nội dung này. Bộ Nội vụ sẽ căn cứ những nội dung có thể làm ngay, một số nội dung sẽ xem xét, nghiên cứu, một số nội dung sẽ chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII.
-
“Nguyên tắc là để TP.HCM chủ động thay vì phải báo cáo các bộ ngành”
Báo Pháp luật TP.HCM: Theo nghị trình, trong hôm nay (3/11), Chính phủ sẽ trình Quốc hội cơ chế chính sách thí điểm phát triển TPHCM. Tuy nhiên vấn đề này đã được lùi lại sang tuần sau. Hôm nay Chính phủ mới họp liệu có kịp trình Quốc hội hay không?
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: TP.HCM là đầu tàu kinh tế, có vị trí cực kỳ quan trọng, đóng góp 27-28% GDP cả nước. Đóng góp ngân sách chung là 24-25%, do đó ta cần một cơ chế thí điểm cho TP.HCM phát triển. Các vấn đề gồm cơ chế quản lý đầu tư, đất đai, tiền lương cán bộ thuộc quyền quản lý của thành phố, vấn đề đô thị…
Đây đều là những đề án lớn, trong thực tiễn có thể chưa phù hợp, thì cần phải thí điểm để đột phá. Trong thực tiễn đời sống rất cần nhưng chưa có quy định điều chỉnh, do đó ta cần phải có thí điểm.
Hôm nay Chính phủ đã thảo luận để TP.HCM có cơ chế thí điểm để có thể phân quyền, phân cấp, thẩm quyền hành chính của thành phố. Những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, của các bộ ngành, Chính phủ đã bàn rất kỹ. Nguyên tắc là để TP.HCM chủ động thay vì phải báo cáo các bộ ngành. Với sự năng động của thành phố, cơ chế để tạo thành phố phát triển nhanh, linh hoạt…. Chính phủ sẽ họp để trình trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.