“Chúng tôi không thể xem xét phán quyết này”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 17/3, trong đó nhắc tới phán quyết được đưa ra một ngày trước đó của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), theo TASS.
Ông cũng nói thêm rằng cả hai bên - Nga và Ukraine - phải cùng đồng ý thì phán quyết mới có thể được thực thi. "Không thể có được sự đồng ý trong trường hợp này", ông Peskov nhấn mạnh.
Trong ngày xung đột thứ 22 hôm 17/3, giao tranh tiếp tục xảy ra ở các thành phố của Ukraine, từ Kyiv, Chernihiv, Kharkiv tới Mariupol. Quân đội Ukraine tuyên bố đang triển khai phản công trên một số hướng.
Trong khi đó, số người Ukraine phải tị nạn ở nước ngoài đã vượt mốc 3 triệu người.
Ukraine phản công
Phía Kyiv cho biết quân đội Nga đang tiến hành tấn công mạng và phá hủy tín hiệu truyền thanh - truyền hình nhằm làm mất tín nhiệm của giới lãnh đạo Ukraine.
Trước đó, giới chức Ukraine tuyên bố quân đội nước này bắt đầu chuyển sang trạng thái phản công trên một số mặt trận.
“Quân đội Ukraine đang bắt đầu một cuộc phản công trên một số hướng. Thực tế này đang thay đổi mạnh mẽ cục diện của các bên”, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak tuyên bố trên Telegram.
Bản đồ tình hình chiến sự ngày 17/3. Đồ họa: Bộ Quốc phòng Anh. |
Một quan chức cấp cao trong quân đội Ukraine cho biết các cuộc phản công nhằm vào lực lượng Nga ở ngoại ô Kyiv và tỉnh Kherson miền Nam đất nước, theo New York Times.
Quan chức trên cho biết phía Ukraine sẽ tấn công bằng lực lượng tăng thiết giáp, pháo binh và máy bay chiến đấu.
“Trong nhiệm vụ gây ra thiệt hại lớn nhất, chúng tôi đã làm rất tốt”, người này cho biết.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga công bố video cho thấy máy bay chiến đấu Su-25 phá hủy các cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine, trong đó có kho vũ khí, theo Sputnik.
Nga cảnh báo phương Tây
Hôm 16/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà nước này phát động tại Ukraine “đang theo đúng kế hoạch”.
Ông Putin cũng tuyên bố Nga không có ý định chiếm đóng Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục chiến dịch để đạt được mục tiêu bao gồm "tình trạng trung lập" và "phi quân sự hóa" ở nước láng giềng.
Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố rằng Moscow đã trụ vững được trong “cuộc chiến tranh kinh tế chớp nhoáng” khi phương Tây áp một loạt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt lên nước này.
Tuyên bố được đưa ra giữa lúc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland lần đầu tiên triệu tập một lực lượng đặc nhiệm đa phương có tên gọi REPO, dành riêng cho việc thực thi các lệnh trừng phạt với Nga.
Đơn vị này đang xem xét 50 cá nhân và 28 cái tên trong số đó đã được công bố công khai.
Theo TASS, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho rằng phương Tây liên tục tìm cách làm suy yếu Nga, khẳng định nỗ lực của đối phương sẽ không thành công.
Ông Dmitry Medvedev. Ảnh: TASS. |
Viết trên Telegram ngày 17/3, ông Medvedev đổ lỗi cho phương Tây vì căng thẳng hiện nay trong quan hệ giữa hai bên.
Theo ông Medvedev, khối phương Tây muốn dồn ép Nga, tìm cách khiến Nga gục ngã và phải cải cách theo mô hình nhà nước phương Tây, thậm chí chia tách Nga thành nhiều phần nhỏ.
"Âm mưu đó sẽ không thành hiện thực. Nga đủ mạnh để đưa đối thủ trở lại đúng vị trí của họ", ông Medvedev tuyên bố.
Giao tranh tiếp diễn
Trong ngày 17/3, giao tranh tiếp tục được ghi nhận ở nhiều địa điểm khác nhau tại Ukraine.
Sáng sớm 17/3, cơ quan tình trạng khẩn cấp Ukraine cho biết ít nhất một người thiệt mạng và 3 người bị thương tại thủ đô Kyiv do một vụ tấn công bằng tên lửa.
Những người này là cư dân một tòa nhà ở quận Darnytsky bị trúng tên lửa vào khoảng 5h. Vụ việc khiến tầng 16 và tầng kỹ thuật của tòa nhà bị phá hủy và bốc cháy.
Nhân viên cứu hộ bên một tòa nhà bị tên lửa đánh sập sáng 17/3 ở Kyiv. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, một cơ sở giáo dục ở thành phố Merefa, tỉnh Kharkiv bị cho là trúng tên lửa vào rạng sáng. Các đoạn video được ghi nhận tại hiện trường cho thấy một số ngôi nhà xung quanh cũng bị phá hủy. Không có thương vong được ghi nhận.
Thống đốc tỉnh Chernihiv Viacheslav Chaus cũng cho biết 53 người Ukraine thiệt mạng trong ngày 16/3.
Giới chức Ukraine nói rằng một nhà hát có hàng trăm người trú ẩn, bao gồm nhiều trẻ em, đã bị tấn công và đánh sập tại thành phố Mariupol thuộc tỉnh Donetsk.
Giới chức Ukraine chưa thể đưa ra con số thương vong cụ thể.
Nga phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường. Tại Moscow, Bộ Quốc phòng cho biết lực lượng của họ đã không tấn công nhà hát, thay vào đó cáo buộc Tiểu đoàn Azov, một lực lượng dân quân cực hữu của Ukraine, đã làm nổ tung tòa nhà, theo hãng tin RIA của Nga.
Chưa có bằng chứng nào được đưa ra để chứng minh cho tuyên bố. Trước đó, Nga đã cáo buộc tiểu đoàn này ngăn cản dân thường rời khỏi thành phố.
Theo ước tính của cơ quan người tị nạn của Liên Hợp Quốc, hơn 3 triệu người đã rời Ukraine kể từ khi chiến sự bùng phát hôm 24/2. Ba Lan vẫn là điểm đến chủ yếu của người tị nạn, với gần 1,9 triệu người. Romania, Moldova, Hungary và Slovakia đều đón hơn 200.000 người, trong khi số lượng nhỏ hơn tới Nga và Belarus.
“Hơn 3 triệu người tị nạn Ukraine đã rời đất nước. Người dân Ukraine rất cần hòa bình. Người dân khắp thế giới đòi hỏi điều này. Nga cần chấm dứt cuộc tấn công ngay lập tức”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đăng tải trên Twitter.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) cũng tuyên bố gửi mũ và áo chống đạn tới các phóng viên Ukraine, theo New York Times. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng tài trợ cho một đường dây nóng, nơi các phóng viên Ukraine có thể yêu cầu di tản từ vùng nguy hiểm.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này ghi nhận ít nhất 43 vụ tấn công nhằm vào bệnh nhân, nhân viên y tế hay cơ sở y tế kể từ khi chiến sự bùng phát.