Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi không thể xem xét phán quyết này”, theo TASS.
Ông cũng nói thêm rằng cả hai bên - Nga và Ukraine - phải cùng đồng ý thì phán quyết mới có thể được thực thi. "Không thể có được sự đồng ý trong trường hợp này", ông Peskov nhấn mạnh.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phản đối phán quyết của ICJ. Ảnh: TASS. |
Trước đó, ICJ - tòa án cấp cao nhất của Liên Hợp Quốc - ra phán quyết với 13 phiếu thuận, trên tổng số 15 thẩm phán, yêu cầu Nga ngay lập tức dừng các hoạt động quân sự của nước này, bắt đầu từ ngày 24/2, trên lãnh thổ Ukraine.
Tòa án cũng yêu cầu Nga bảo đảm những lực lượng khác dưới sự kiểm soát hoặc hỗ trợ của Moscow cũng không được tiếp tục các hoạt động quân sự.
Phán quyết đưa ra ngày 16/3 mới chỉ bao gồm các biện pháp tạm thời. Tòa ICJ sẽ tiếp tục xem xét vụ kiện do Ukraine đề xuất, trong đó Kyiv yêu cầu ICJ bác bỏ tuyên bố của Moscow về cáo buộc diệt chủng ở miền Đông Ukraine.
Trong vụ kiện lên ICJ, vốn có thể kéo dài nhiều năm, phía Ukraine yêu cầu thẩm phán ra phán quyết buộc Nga "từ bỏ chiến dịch quân sự ngay lập tức", theo AP.
Phía Nga cho rằng chiến dịch này "nhằm ngăn chặn và trừng phạt tội diệt chủng" ở hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk, miền Đông Ukraine.
Moscow không cử đại diện tham dự phiên điều trần ngày 7/3 của tòa ICJ về vấn đề Ukraine.
ICJ là một cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên và cố vấn pháp luật cho Liên Hợp Quốc. Phán quyết của ICJ có giá trị ràng buộc.
Nếu một quốc gia không tuân theo lệnh của tòa án, các thẩm phán của ICJ có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hành động. Tuy nhiên, Nga là một trong năm thành viên thường trực và có quyền phủ quyết.