Theo Reuters, tuần trước Mỹ và phương Tây mới chỉ ước tính khoảng 20.000 quân Nga tại biên giới nhưng con số hiện lên tới 30.000.
Tổng thống Mỹ bắt tay Chủ tịch hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (phải) và Chủ tịch ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) tại Brussels, Bỉ ngày 26/3. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, nguồn tin từ an ninh Mỹ và châu Âu cũng khẳng định, con số 30.000 chỉ mang tính ước lượng. Một số dự đoán con số chỉ là 25.000, nguồn khác cho rằng số binh sĩ là 35.000 người.
Trong khi đó, CNN đưa tin, trong bài phát biểu ngày 26/3 khi đến thăm Brussels, Bỉ, Tổng thống Mỹ Obama khuyên các thành viên EU giảm dần sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Ông cho biết Washington đang thương lượng về hiệp ước thương mại xuyên Đại Tây Dương. Nếu thành công, việc cấp giấy phép xuất khẩu khí đốt ở Mỹ sẽ dễ dàng hơn.
1/3 khí đốt và dầu khí EU phụ thuộc vào Nga. Khi căng thẳng giữa EU với Moscow gia tăng về khủng hoảng Ukraina, 28 thành viên của EU rất quan ngại về an toàn năng lượng. Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ bà ủng hộ việc Tổng thống Mỹ Obama thương lượng để giảm rào cản xuất khẩu khí đốt Mỹ.
Trả lời họp báo sau cuộc gặp lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu ở Brussels, Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh: "Theo thời gian, miễn là chúng ta còn đoàn kết, người Nga sẽ nhận ra rằng họ không thể có được an ninh, thịnh vượng và địa vị họ tìm kiếm thông qua vũ lực. Đó là lý do chúng ta sẽ phối hợp để gây sức ép với Nga bằng một cánh cửa ngoại giao để ngỏ".
Theo ông chủ Nhà Trắng, đây không phải một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Mỹ và NATO không tìm kiếm bất cứ cuộc xung đột nào với Nga.
Phản hồi lại các bình luận của Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko cho rằng, ông Obama đang cho thấy "dấu hiệu của sự hoảng loạn và đau đớn", đồng thời khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Moskva chỉ làm cho Nga mạnh mẽ hơn.
Bà Valentina Matviyenko cũng tuyên bố Nga là một cường quốc thế giới chứ không phải cường quốc khu vực.