- Liên Hợp Quốc ghi nhận 351 dân thường đã thiệt mạng và 707 người bị thương kể từ lúc Nga bắt đầu tấn công Ukraine. Đến nay, gần 1,4 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa vì chiến sự.
- Visa và MasterCard thông báo đình chỉ vô thời hạn dịch vụ tại Nga.
- Tổ chức Bác sĩ Không biên giới cảnh báo thảm họa nhân đạo ở Mariupol.
Nối lại sơ tán thường dân ở Mariupol
Hội đồng Mariupol cho biết chiến dịch tản thường dân Ukraine đang mắc kẹt trong thành phố sẽ được nối lại từ 12h giờ ngày 6/3 (17h giờ Hà Nội).
Trong thời gian di tản, quân đội Ukraine và Nga sẽ ngừng bắn, Reuters đưa tin.
Lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực đến 21h giờ địa phương (2h sáng 7/3 giờ Hà Nội).
Trước đó, kế hoạch di tản thường dân khỏi Mariupol hôm 5/3 đã bị hủy bỏ do giao tranh tiếp diễn. Hai bên đổ lỗi cho nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Ukraine kháng cự tại Mariupol và Chernihiv
Quân đội Ukraine ngày 6/3 cho biết đang tiến hành các chiến dịch phòng thủ hai thành phố quan trọng là Mariupol và Chernihiv. Ngoài ra, quân đội Ukraine khẳng định đã chặn đứng đà tiến công của quân đội Nga tại vùng Dnipropetrovsk, Guardian đưa tin.
Quân đội Ukraine tuyên bố đã gây "thiệt hại nghiêm trọng về vũ khí, trang bị và sinh lực" cho lực lượng Nga, trong đó có 88 máy bay cánh thẳng và trực thăng các loại.
Một tình nguyện viên vận chuyển hàng cứu trợ tại thành phố Lviv, Ukraine hôm 6/3. Ảnh: Reuters. |
WHO: Trung tâm y tế ở Ukraine bị không kích
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận các trung tâm y tế ở Ukraine hứng chịu "các vụ tấn công" khiến nhiều người chết và bị thương, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, theo Guardian.
Viết trên Twitter ngày 6/3, Tổng giám đốc Tedros cho biết WHO đang tiến hành điều tra thêm về các vụ tấn công nói trên.
"Các vụ tấn công vào cơ sở hoặc nhân viên y tế vi phạm luật nhân đạo quốc tế, đi ngược lại nguyên tắc trung lập về y tế", ông Tedros cho biết.
Quan chức Nga tố Ukraine phát triển vũ khí hạt nhân
Hôm 6/3, hàng loạt hãng thông tấn Nga như TASS, RIA và Interfax dẫn lời "đại diện một cơ quan chức năng" Nga cho rằng Ukraine đang phát triển vũ khí hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Tuy nhiên, các hãng thông thông tấn Nga không đưa ra bất cứ bằng chứng nào cho cáo buộc này.
Chính phủ Ukraine đã nhiều lần khẳng định không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị đóng cửa từ năm 2000 dưới sự giám sát của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA - tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc mà Nga là thành viên thuộc Hội đồng Thống đốc điều hành.
Sau khi độc lập từ Liên Xô, Ukraine sở hữu gần 2.000 đầu đạn hạt nhân, trở thành nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới. Năm 1994, Ukraine ký kết Thỏa thuận Budapest với Nga, Anh và Mỹ, chấp nhận chuyển giao toàn bộ vũ khí hạt nhân cho Nga đổi lại cam kết từ 3 cường quốc sẽ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Những đầu đạn hạt nhân cuối cùng được Ukraine chuyển giao cho Nga năm 1996.
"Trung Quốc không muốn thấy" cảnh như ở Ukraine
Trao đổi trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 6/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết "diễn biến" tình hình tại Ukraine là "điều mà Trung Quốc không muốn chứng kiến", CNN đưa tin.
Ngoại trưởng Vương Nghị cho hay cuộc khủng hoảng Ukraine cần được giải quyết thông qua "đàm phán và đối thoại", đồng thời kêu gọi Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu tiến hành "đối thoại bình đẳng" với Nga. Ông Vương nói thêm phương Tây nên cân nhắc những tác động tiêu cực cho an ninh của Nga từ việc NATO mở rộng sang phía Đông.
Trung Quốc từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cần được tôn trọng.
Nga nối lại việc tấn công Mariupol
Nga đã nối lại các cuộc tấn công vào thành phố cảng Mariupol trong ngày 6/3 sau khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ, theo Guardian. Ukraine và Nga đổ lỗi cho nhau vì vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Giới chức Ukraine ở Mariupol cho hay đã triển khai kế hoạch sơ tán thường dân, tuy nhiên kế hoạch này sau đó không thể tiến hành bởi quân đội Nga tiếp tục pháo kích.
Binh sĩ Ukraine di tản thường dân khỏi thị trấn Irpin, phía sau là đống đổ nát do cuộc không kích của Nga. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, Nga lại đổ lỗi cho các lực lượng Ukraine đang phòng thủ Mariupol ngăn cản thường dân rời đi.
Các tổ chức cứu trợ cảnh báo tình hình ở thành phố Mariupol đang rất nghiêm trọng, tình hình chiến sự khiến việc thiết lập hành lang cứu trợ nhân đạo và di tản là không khả thi.