Đầu năm nay, các bác sĩ và nhà dịch tễ học ở Johannesburg - thủ đô kinh tế của Nam Phi - vẫn đang chuẩn bị cho tình huống dịch bệnh xấu nhất.
Theo Wall Street Journal, khi ấy, một biến chủng virus SARS-CoV-2 mới đang lan nhanh trên khắp đất nước. Hàng nghìn người mắc bệnh khi trở lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ. Cứ ba người trở về xét nghiệm thì có một người dương tính.
Thế nhưng sau đó, điều bất ngờ đã xảy ra. Số ca nhiễm bắt đầu giảm.
Sự rẽ hướng bí ẩn
Kể từ giữa tháng 1, số ca mắc Covid-19 được xác nhận ở Nam Phi đã giảm từ mức kỷ lục, gần 22.000 ca/ngày, xuống còn khoảng 1.000 ca. Không có chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn hay lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nào được thực hiện. Chưa đến 5% số người xét nghiệm có kết quả dương tính với virus.
Số ca nhiễm Covid-19 theo ngày của Nam Phi giảm mạnh từ mức kỷ lục gần 22.000 ca/ngày xuống còn khoảng 1.000 ca/ngày. Ảnh: JHU CSSE COVID-19 Data. |
Chính phủ đã dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế còn lại.
Nguyên nhân của sự giảm sâu này vẫn còn là một bí ẩn.
Ở một số nước, tại vài thời điểm, số ca nhiễm Covid-19 của họ cũng giảm đáng kinh ngạc, chẳng hạn như ở Ấn Độ, Pakistan và một số vùng của Brazil. Có nước đã đạt đủ mức độ miễn dịch trong các nhóm dân cư quan trọng nên tốc độ lây lan chậm lại. Có nước áp dụng và tuân thủ các quy định chặt chẽ về giãn cách xã hội, như đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc, giúp làm giảm đáng kể số ca nhiễm cũng như tỷ lệ tử vong.
Thế nhưng, diễn biến dịch bệnh ở Nam Phi từ đầu năm đến nay dường như không tuân theo bất cứ mô hình nào nêu trên.
Harry Moultrie, nhà dịch tễ học y tế cấp cao tại Viện Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm của Nam Phi (NICD), khẳng định: “Bất kỳ ai tuyên bố chắc chắn (về lý do dịch bệnh suy giảm Nam Phi) đều là nói dối”.
Hơn một năm trải qua đại dịch, các nhà khoa học vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể giải đáp về cách virus SARS-CoV-2 di chuyển trong xã hội. Chúng thường tạo ra những đợt bùng phát lớn ở một số nơi, khiến các bệnh viện quá tải và rất nhiều người tử vong. Trong khi đó, ở một số nơi khác, cuộc sống gần như trở lại nhịp bình thường.
Việc lấp đầy khoảng trống trong hiểu biết về virus có ý nghĩa quan trọng đối với công tác chống dịch. Nếu hiểu rõ, chúng ta có thể điều chỉnh các biện pháp can thiệp của chính phủ, chẳng hạn như cách ly, tiêm vaccine ở nơi nào là tốt nhất, hay xác định khi nào thì một quốc gia hay một khu vực đạt miễn dịch cộng đồng. Thậm chí, chúng ta có thể theo dõi sự xuất hiện của các biến chủng virus mới.
Một yếu tố phức tạp ở Nam Phi khiến các nhà khoa học đau đầu là họ không biết chính xác tỷ lệ dân số nhiễm virus là bao nhiêu. Do khả năng xét nghiệm hạn chế và người nhiễm bệnh giai đoạn đầu không có triệu chứng, họ không thể thu thập được dữ liệu chính xác về số người đã khỏi bệnh và miễn dịch.
Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về biến chủng B.1.351 của virus SARS-CoV-2. Đây được cho là biến chủng gây ra đợt bùng dịch mới nhất ở Nam Phi hồi đầu năm. Các loại vaccine hiện tại dường như kém hiệu quả hơn đối với biến chủng này. Một số người đã hồi phục từ Covid-19 vẫn tái nhiễm B.1.351.
Số ca nhiễm tại Nam Phi tăng kỷ lục vào đầu tháng 1, sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới. Ảnh: Reuters. |
Mùa hè năm ngoái, phần lớn châu Âu đã ghi nhận số ca nhiễm giảm đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là họ đã áp dụng và tuân theo các lệnh cấm nghiêm ngặt. Nhưng Nam Phi thì khác.
Tại Nam Phi, từ tháng 4/2020, người dân ra đường đều bắt buộc đeo khẩu trang. Cuối năm 2020, chính phủ đã cho đóng cửa các bãi biển nổi tiếng, siết chặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm, cấm tổ chức tiệc tùng, hội họp lớn và cấm bán bia rượu.
Tuy nhiên, tiệc tùng tại gia vẫn được cho phép. Nhiều gia đình đón năm mới và Giáng sinh cùng nhau.
Hầu hết biện pháp hạn chế chỉ được ban hành sau khi hàng chục nghìn người dân làm việc tại Johannesburg về quê nghỉ lễ. Nhiều người về thăm gia đình tại các điểm nóng Covid-19. Một số tỉnh ghi nhận số ca nhiễm cao gấp đôi mức kỷ lục hồi tháng 7/2020.
Đầu tháng 1, người lao động từ các ổ dịch quay lại Johannesburg để làm việc. Họ chủ yếu sử dụng phương tiện giao thông công cộng đông đúc như xe buýt. Chính điều này đã tạo điều kiện cho virus lây lan.
Chưa có kết luận chính xác nhất
Jinal Bhiman, nhà khoa học y tế tại NICD, cho biết lời giải thích đơn giản nhất cho việc giảm đột ngột số ca nhiễm là các nhóm dân số đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Virus vì vậy không còn lây lan dễ dàng như trước.
Đến hiện tại, Nam Phi chỉ ghi nhận khoảng 1,5 triệu ca dương tính, tương đương với 2,5% dân số. Tuy nhiên, mức độ lây nhiễm thực tế lại cao hơn rất nhiều.
Theo Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi, kể từ khi số ca nhiễm bắt đầu tăng vào tháng 5/2020, cả nước đã ghi nhận hơn 145.000 ca tử vong, trong đó 85% đến 95% có khả năng là do Covid-19. Điều đó có nghĩa là cứ 500 người Nam Phi thì có một người tử vong vì Covid-19 trong vòng 10 tháng qua.
Tháng 1/2021, các nhà nghiên cứu tại Nam Phi đã xét nghiệm máu do 4.858 người hiến tặng để tìm kháng thể. Họ ước tính rằng ở hai tỉnh có dịch nặng nhất, hơn 50% người tuổi từ 15 đến 69 từng nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh. Tuy nhiên, họ không chắc rằng các vùng khác có mức độ miễn dịch tương tự hay không.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng người hiến máu không đại diện cho toàn bộ dân số. Họ dẫn ví dụ về trường hợp của thành phố Manaus, Brazil. Năm ngoái, nghiên cứu từ việc xét nghiệm máu được hiến tại thành phố này cũng cho ra kết quả khả quan tương tự. Thế nhưng sau đó, thành phố vẫn phải chịu đợt bùng phát nghiêm trọng khác, trong đó, có nhiều người tái nhiễm.
Người dân Nam Phi vui mừng khi chính phủ dỡ bỏ gần hết các biện pháp hạn chế. Ảnh: Reuters. |
Vì vậy, giả thuyết cho rằng Nam Phi đã đạt được miễn dịch cộng đồng có vẻ không đủ thuyết phục. Loại bỏ khả năng này, các nhà nghiên cứu đặt vấn đề vào một số mạng lưới nhất định, hoặc các cá nhân có nhiều mối quan hệ xã hội hay công việc. Họ muốn xem xét các nhóm này đóng vai trò như thế nào trong việc dịch bệnh suy giảm ở Nam Phi.
Tiến sĩ Moultrie cho biết: “Những người có tương tác xã hội cao dễ bị lây nhiễm nhất. Virus sẽ lây lan trong mạng lưới của những người này”. Khi mạng lưới đạt được miễn dịch, tỷ lệ lây nhiễm giảm dần, ông nói.
Các chuyên gia trên khắp thế giới cũng đang nghiên cứu tác động của những thay đổi tự nguyện trong hành vi của con người đối với việc làm suy giảm dịch bệnh.
Saad Omer, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Yale, cho biết: “Khi tỷ lệ lây nhiễm tăng lên, mọi người sẽ sửa đổi hành vi của họ”.
Tiến sĩ Omer nói: “Những thay đổi nhỏ có thể tạo nên kết quả lớn”.
Trong bối cảnh chưa có kết luận nào chắc chắn được đưa ra để giải thích cho sự rẽ hướng của diễn biến đại dịch ở Nam Phi, các nhà khoa học vẫn mơ hồ về tương lai của đất nước.
Tháng 9/2020, Nam Phi kết thúc đợt bùng dịch đầu tiên. Chỉ hai tháng sau đó, nước này lại hứng chịu làn sóng mới. Liệu kịch bản này có tiếp tục xảy ra trong tương lai với một biến chủng mới hay không? Đó là điều mà bà Juliet Pulliam, người chỉ đạo Trung tâm Xuất sắc về Mô hình và Phân tích Dịch tễ học của Nam Phi, lo lắng.
Bà nói: “Tôi không nghĩ có thể dự đoán chắc chắn khi nào sẽ xảy ra làn sóng virus thứ ba ở Nam Phi. Thậm chí, tôi cũng không chắc rằng nó có xảy ra hay không”.