Trả lời họp báo ngày 7/2, Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize cho biết lệnh ngưng sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca chỉ là tạm thời. Nước này sẽ chờ các nhà khoa học đưa ra phương án sử dụng vaccine hiệu quả hơn.
Kế hoạch triển khai vaccine của Pfizer/BioNTech và Johnson & Johnson vẫn theo đúng kế hoạch tại Nam Phi, theo CNN.
Dữ liệu nghiên cứu sơ bộ, được công bố vào ngày 7/2, cho thấy 2 liều vaccine Covid-19 do Oxford hợp tác phát triển cùng AstraZeneca chỉ tạo ra "bảo vệ tối thiểu" trước biến chủng virus corona được phát hiện lần đầu tại Nam Phi. Người được tiêm ngừa vẫn có khả năng xuất hiện triệu chứng nhẹ và vừa.
Nhân viên y tế Nam Phi chuẩn bị đón người nghi nhiễm virus corona tại Pretoria ngày 11/1. Ảnh: Reuters. |
Nghiên cứu được thực hiện với khoảng 2.000 tình nguyện viên, có độ tuổi trung bình là 31. Các nhà khoa học nhận thấy khả năng vô hiệu hóa lây nhiễm của vaccine đối với biến chủng Nam Phi "giảm đáng kể" so với các biến chủng virus corona trước.
Nghiên cứu do Đại học Witwatersrand, Oxford và một số cơ sở khác phối hợp thực hiện. Hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa ca bệnh Covid-19 triệu chứng nghiêm trọng, nhập viện và tử vong không được đánh giá. Đại diện Đại học Oxford cho biết nghiên cứu đang chờ phản biện và sẽ sớm được công bố toàn văn.
Trong khi đó, AstraZeneca khẳng định vaccine đủ khả năng ngăn ngừa ca bệnh nặng do biến chủng Nam Phi (B.1.351) gây ra. Chỉ định tiêm ngừa hiệu cần 2 liều vaccine, thời gian giãn cách giữa các liều là 8-12 tuần.
Công ty nhấn mạnh họ đang làm việc cùng Đại học Oxford để điều chỉnh vaccine thích ứng với biến chủng B.1.351 và dự kiến sẵn sàng cho đợt chuyển giao vào mùa thu năm nay.
Maria Van Kerkhove, lãnh đạo bộ phận kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 7/2 thông báo hội đồng vaccine độc lập của WHO sẽ họp với AstraZeneca về các bước tiếp theo. Bà lưu ý rằng thế giới "không thể chỉ dựa vào một sản phẩm" trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.