Dự thảo hiệp ước gồm 8 điểm đã được Bộ Ngoại giao Nga công bố khi lực lượng của nước này tập trung đông đảo gần biên giới Ukraine. Phía Nga cho biết việc phớt lờ lợi ích của nước này sẽ dẫn đến "phản ứng quân sự" tương tự những gì diễn ra trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Bản dự thảo yêu cầu NATO rút toàn bộ quân đội hoặc vũ khí được triển khai tới các quốc gia tham gia liên minh sau năm 1997, bao gồm các nước như Estonia, Lithuania, Latvia và các nước vùng Balkan, theo Guardian.
Nga cũng yêu cầu NATO không được mở rộng thêm, không cho phép Ukraine gia nhập liên minh quân sự và không tổ chức các cuộc tập trận ở Ukraine, Đông Âu và các nước vùng Caucasus nếu không có sự chấp thuận từ phía Nga.
Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu phương Tây cung cấp cho Nga "sự đảm bảo hợp pháp" về an ninh. Các yêu cầu đã được chuyển cho Mỹ trong tuần này.
Một binh sĩ Ukraine đang canh gác ở khu vực giao tranh ở miền Đông nước này. Ảnh: AFP. |
Bản dự thảo của Nga kêu gọi hai bên rút tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Những đề xuất đó có thể sẽ bị các nước NATO, đặc biệt là Ba Lan và các nước vùng Baltic, nhìn nhận một cách tiêu cực. Các nước này đã cảnh báo rằng Nga đang cố gắng thiết lập lại phạm vi ảnh hưởng trong khu vực.
Một quan chức cấp cao của Mỹ hôm 17/12 cho biết Nga hiểu rằng một số phần trong đề xuất của họ là "không thể chấp nhận được".
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đã nhận các đề xuất từ Nga để bắt đầu đàm phán và đang thảo luận với các đồng minh cũng như đối tác ở châu Âu, Reuters đưa tin.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 17/12 cho biết không có hạn chót cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, Nga muốn bắt đầu các cuộc đàm phán "không bị trì hoãn và đình trệ".
Giới tình báo phương Tây tin rằng khoảng 100.000 binh lính Nga đang tập trung gần biên giới với Ukraine. Chính quyền Ukraine nói rằng Moscow có thể phát động cuộc tấn công nước này vào cuối tháng 1/2022.
Trước việc Nga điều quân đến sát biên giới với Ukraine, EU cảnh báo về cái "giá đắt" và "hậu quả khủng khiếp" dành cho Moscow, trong khi Điện Kremlin phủ nhận ý định gây hấn.