Thông điệp trên, được tuyên bố sau Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2021 của EU hôm 16/12, cũng đề cập đến khả năng khối này áp đặt thêm các "biện pháp hạn chế" đối với Nga, nhưng không nêu rõ chi tiết. Mặc dù vậy, EU vẫn ưu tiên giải quyết bất đồng với Nga qua con đường ngoại giao, BBC đưa tin.
Điện Kremlin phủ nhận kế hoạch tấn công Ukraine và tố cáo Ukraine có những hành động khiêu khích trước. Tổng thống Vladimir Putin nói rằng sự đối xử của chính quyền Ukraine đối với những người nói tiếng Nga ở miền Đông nước này không khác gì hành động diệt chủng.
Một binh sĩ Ukraine đang canh gác tại khu vực giao tranh ở miền Đông nước này. Ảnh: AFP. |
Giới tình báo phương Tây tin rằng khoảng 100.000 binh lính Nga đang tập trung gần biên giới với Ukraine. Chính quyền Ukraine nói rằng Moscow có thể phát động cuộc tấn công nước này vào cuối tháng 1/2022.
"Bất cứ động thái quân sự tiếp theo nào nhằm xâm lược Ukraine sẽ dẫn tới những hậu quả khủng khiếp và sẽ khiến (Nga) phải trả giá đắt", các nhà lãnh đạo của EU tuyên bố. EU không loại trừ khả năng khối này và các đối tác sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Sau cuộc họp thượng đỉnh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng khối này đã sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt. Hiện tại, EU đang trừng phạt Nga vì hành động sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine hồi năm 2014.
Hiện chưa rõ biện pháp trừng phạt mới gồm những gì. Mục tiêu nhắm đến có thể là dự án Nord Stream 2, một đường ống dẫn khí đốt nối từ Nga sang Đức. Việc loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT cũng là một khả năng.
Trước cảnh báo của EU, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bày tỏ quan ngại khi số lượng lớn binh sĩ Nga đang tập trung gần biên giới với Ukraine.
Hôm 15/12, tại cuộc gặp ở Moscow, phía Nga đã trao cho trợ lý ngoại trưởng Mỹ một bản đề xuất về các ràng buộc pháp lý nhằm đảm bảo an ninh cho châu Âu.