Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường. Ảnh: NVCC. |
“Các nước châu Âu và cả Ukraine đã chủ quan, cho rằng Nga sẽ không tấn công. Nhưng họ đã không đánh giá được mức độ quyết tâm của Moscow lần này”, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế (Hà Nội), nói với Zing về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Tiến sĩ Trường từng là đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Phần Lan nhiệm kỳ 2002-2006.
“Trong chiến dịch quân sự này, bước đầu tiên là công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine. Bước tiếp theo là đưa quân vào khu vực này”, ông Trường chia sẻ.
Theo tiến sĩ Trường, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đưa quân vào chiếm một số địa điểm ở miền Đông, hoặc vô hiệu hóa quyền kiểm soát của chính quyền Kyiv trên phần lớn lãnh thổ Ukraine. Từ đó, Nga sẽ có “quân bài” để buộc phương Tây thương lượng.
Ông nhận định chiến dịch lần này không chỉ là cuộc xung đột giữa lực lượng ly khai và Ukraine, mà là cuộc đối đầu trực tiếp giữa Moscow và Kyiv.
Hôm 24/2, Tổng thống Putin đã thông báo trên truyền hình về một chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine. Không lâu sau, quân đội Nga tiến hành nhiều vụ tấn công vào các thành phố của Ukraine, bao gồm thủ đô Kyiv.
Các hướng tấn công (mũi tên đỏ) của Nga vào Ukraine. Đồ họa: New York Times. |
Phải có bên chịu thua
Theo dự đoán của tiến sĩ Trường, cuộc tấn công lần này có thể là một chiến dịch quân sự cục bộ, giới hạn về cả không gian và thời gian.
“Nga không muốn kéo dài cuộc tấn công này, mà chỉ giới hạn trong khoảng thời gian từ một đến ba tuần”, ông nhận định.
Tuy nhiên, Nga cũng không phải “muốn làm gì thì làm”, quân đội Ukraine đã sẵn sàng chiến đấu và được trang bị tốt hơn trước, ông cho biết.
Đồng thời, phương Tây cũng có thể đưa lính đánh thuê, vốn đã có kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường Afghanistan và Vùng Vịnh, vào Ukraine.
Ngoài ra, ông Trường cho biết điều kiện để chiến dịch quân sự của Moscow kết thúc là Nga, Ukraine và phương Tây phải ngồi vào bàn đàm phán và đạt được thỏa hiệp với 8 điều kiện đảm bảo an ninh của ông Putin.
Nhưng để đạt được điều đó, "ít nhất phải có một bên chịu thua", ông nói.
Ông Trường cho biết Nga phê chuẩn chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine để buộc phương Tây thỏa hiệp. Ảnh: AP. |
Nếu như Ukraine thua trận, họ sẽ phải thỏa hiệp trước, sau đó đến phương Tây. Nga muốn giáng một đòn mạnh để buộc các nước này thỏa hiệp, trước hết là Ukraine, ông cho biết.
Nga không muốn kéo dài cuộc tấn công này, mà chỉ giới hạn trong khoảng 1-3 tuần.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường
Theo tiến sĩ Trường, trong cuộc tấn công này, Ukraine đã ở thế bị động trước Nga. Nội bộ Ukraine không thống nhất, tự biến nước này thành "con bài" của phương Tây trong việc chống Nga.
Do vậy, qua chiến dịch quân sự này, Nga muốn răn đe Ukraine khi Kyiv ngỏ khả năng gia nhập NATO.
Theo dự đoán của ông Trường, chiến dịch quân sự sẽ dẫn đến một làn sóng di cư khỏi Ukraine. “Thương vong là không tránh khỏi. Tuy nhiên, Nga sẽ bắn có trọng điểm để tạo ra sự hoang mang, dao động ở Ukraine. Nhiều người sẽ tháo chạy khỏi Ukraine, tạo nên làn sóng tị nạn”.
Tính toán kỹ lưỡng
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho biết: “Cuộc tấn công chắc chắn đã được tính toán từ trước, vì mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine không phải mới”.
Từ nửa cuối năm 2021 cho đến nay đã có nhiều dấu hiệu về cuộc tấn công, khi Nga liên tục đưa quân đến gần biên giới với Ukraine, ông Trường nói. Hôm 22/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Moscow đã triển khai gần 200.000 binh sĩ ở biên giới nước này.
Trước đó, Mỹ và nhiều nước cũng đưa các nhân viên ngoại giao và thân nhân rời khỏi thủ đô Kyiv, đồng thời đóng cửa cơ quan đại diện tại đây. Điều này chứng tỏ họ đã lường trước nguy cơ giao tranh nổ ra, tiến sĩ Trường nhận định.
“Chỉ người Ukraine nghĩ là sẽ không có chiến tranh, còn các nước khác đều đã lường trước”, ông nhận định.
Người dân Ukraine tại một khu vực bị tấn công. Ảnh: Reuters. |
Tiến sĩ Trường cho rằng trước khi tấn công, Nga đã kéo dài thời gian để đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, đặc biệt là việc ký kết các hiệp định về khí đốt.
Khoảng thời gian Nga leo thang rồi xuống thang căng thẳng là để “chuẩn bị về cả lực lượng chiến đấu và cách ứng phó trong trường hợp bị cấm vận. Đồng thời, Nga muốn thử xem Mỹ và phương Tây có chấp nhận điều kiện của họ hay không”, tiến sĩ Trường nói.
Ông cũng nhận định rằng xung đột ở Ukraine là một phần của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra trên lục địa Á - Âu. Một bên là Mỹ và phương Tây. Bên còn lại là Nga và Trung Quốc.
Mỹ và phương Tây vẫn tư duy hậu Chiến tranh Lạnh và muốn dùng quân bài Ukraine để kiềm chế Nga. Ông Putin thấy không thể giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường
“Từ đây, cục diện thế giới hai cực đang dần hình thành, nhưng cục diện này không diễn ra trên toàn cầu, mà ở trong ba khu vực chủ yếu gồm châu Âu, lục địa Á - Âu, và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông nói.
"Nga có thể nhận lợi thế của họ và Trung Quốc ở cả ba khu vực trên. Đó là một trong những nguyên nhân khiến Nga quyết định tấn công vào thời điểm này", ông cho biết thêm.
Trong khi Mỹ muốn chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á, nội bộ NATO đang lúng túng và có quan điểm khác nhau. Điều đó cho thấy Nga đang có lợi thế hơn ở châu Âu, ông phân tích.
Nhiều cuộc gặp, cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin, cũng như giữa các cố vấn an ninh của hai nước đã được tiến hành trong thời gian qua. Nhưng Nga cho rằng phương Tây và Mỹ đã không lắng nghe ý kiến của nước này.
“Mỹ và các nước phương Tây vẫn duy trì tư duy hậu Chiến tranh Lạnh và muốn dùng quân bài Ukraine để kiềm chế Nga. Do đó, ông Putin thấy rằng không thể giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao”, ông nói.
Vì vậy, Nga muốn giáng một đòn mạnh vào Ukraine và châu Âu để các nước này phải thỏa hiệp.
Tiến sĩ cũng cho rằng: “Đối với Moscow, đòi hỏi của Nga về vấn đề Ukraine là chính đáng, nhằm bảo vệ an ninh của họ. Nhưng từ yêu cầu này tiến đến xung đột là một vấn đề khác”.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường khẳng định điều đó không có nghĩa là chúng ta ủng hộ các hành động quân sự. “Chúng ta mong muốn các bên kiềm chế và giải quyết bằng biện pháp ngoại giao”, ông cho biết.