"Chúng tôi không đồng ý khi dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an gọi đây là cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa", phái đoàn Nga cho biết, đồng thời gọi hành động gây tranh cãi của Triều Tiên là vụ phóng tên lửa "tầm trung".
AFP cho biết Nga yêu cầu Mỹ phải sử dụng ngôn từ phù hợp hơn nếu nước này muốn nhận được cái gật đầu. Mỹ đã từ chối yêu cầu này.
Động thái này của Nga diễn ra sau khi Mỹ soạn thảo tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm dọn đường cho một nghị quyết trừng phạt mới áp đặt lên Triều Tiên. Tuyên bố này coi động thái của Triều Tiên là vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa và kêu gọi Liên Hợp Quốc lập tức triển khai các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn cho quốc gia Đông Bắc Á này.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vladimir Safronkov. Ảnh: Getty. |
Trước đó, Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vladimir Safronkov đã tuyên bố các biện pháp trừng phạt sẽ không giải quyết được vấn đề.
"Những nỗ lực nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên là điều không thể chấp nhận được. Hàng triệu người Triều Tiên hiện cần được trợ giúp nhân đạo", ông Safronkov khẳng định.
Nga là 1 trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nắm quyền phủ quyết. Việc Nga từ chối thông qua tuyên bố lần này sẽ khiến thảo luận tại Hội đồng Bảo an về vấn đề Triều Tiên rơi vào bế tắc.
Triều Tiên phóng một tên lửa ra vùng biển Nhật Bản vào sáng 4/7. Sau đó vài giờ, đài truyền hình Trung ương Triều Tiên công bố nước này lần đầu tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tên lửa được phóng là Hwasong-14, bay trên không trung gần 40 phút, đạt độ cao 2.802 km và đi được quãng đường 933 km. Vụ phóng được triển khai theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un và là vụ phóng tên lửa thứ 11 của Triều Tiên trong năm nay.