Theo Russia Today, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đang phát triển dự án "Trạm vũ trụ hạt nhân" đầy tham vọng. Trung tâm của các trạm là lò phản ứng hạt nhân với công suất từ 100 kW tới 1.000 kW trên quỹ đạo.
Các trạm vũ trụ này có thể phóng ra các chùm tia laser giàu năng lượng. Trước mắt, năng lượng giải phóng từ tia laser sẽ được sử dụng để nạp cho các vệ tinh hiện bay xung quanh quỹ đạo và phục vụ các chuyến thám hiếm vũ trụ.
KB Arsenal, nhà thầu được Roscosmos chỉ định, dự kiến giới thiệu những thông tin đầu tiên của dự án vào năm 2018, bao gồm thông số kỹ thuật, quỹ đạo khả thi và các rủi ro liên quan đến việc triển khai trạm vũ trụ hạt nhân.
Công nghệ truyền năng lượng bằng tia laser trên vũ trụ có thể thành hiện thực trong tương lai. Ảnh: RT. |
Dự án phóng các trạm vũ trụ hạt nhân được cả Mỹ và Liên Xô theo đuổi trước đây, trong đó Liên Xô từng thực hiện hơn 30 nhiệm vụ. Hồi cuối thập niên 80, KB Arsenal là tập đoàn phát triển lò phản ứng Topaz, một thiết bị chuyển đổi nhiệt - điện đặc biệt, gắn trên hai vệ tinh được phóng lên vũ trụ.
Tuy nhiên, các dự án do Liên Xô thực hiện từng gây nhiều tranh cãi. Năm 1978, vệ tinh Kosmos - 954 phát nổ khi đang trên đường đưa một lò phản ứng hạt nhân vào vũ trụ. Các mảnh vỡ của vụ nổ rơi xuống Canada, gây ra vụ phát tán chất phóng xạ nghiêm trọng. Moscow đã phải chi trả hàng triệu USD cho công tác tẩy xạ và xử lý hậu quả.
Lò phản ứng Topaz được phóng lên vũ trụ hồi thập niên 80. Ảnh: RT. |
Truyền năng lượng bằng tia laser đã được thử nghiệm trên Trái Đất với một số thiết bị. Năm ngoái, tập đoàn công nghệ vũ trụ Energia của Nga đã thử nghiệm truyền năng lượng bằng tia laser vào một điện thoại di động từ khoảng cách 1,5 km.
Energia cho biết công nghệ này sẽ được thử nghiệm để truyền năng lượng từ Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS tới các tàu vận tải của Nga trong tương lai.