Năm ngoái, Grand Aniva - tàu chở dầu với 4 bồn chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga - thường di chuyển qua lại giữa một mỏ khí đốt nằm phía đông nước này với các kho chứa ở Nhật Bản và Đài Loan. Hai ngày sau khi Nga tấn công Ukraine, lộ trình của con tàu đã hướng sang Trung Quốc.
Sự thay đổi lộ trình của con tàu dài bằng 3 sân bóng cho thấy Tổng thống Vladimir Putin vẫn có thể tìm được người mua ở châu Á bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây.
Hôm 14/4, ông Putin tuyên bố chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường đang phát triển ở miền nam và miền đông. Hiện, Trung Quốc và Ấn Độ, hai thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, là điểm đến khả dĩ nhất đối với Nga.
Phải giảm giá để hút khách
Tuy nhiên, để hiện thực hóa phương án này, Nga cần hạ giá năng lượng để khách hàng cảm thấy xứng đáng với những rủi ro và chi phí phải bỏ ra. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng cần đẩy mạnh kế hoạch dài hơi và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng sự thay đổi.
Quá trình chuyển hướng khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Á đòi hỏi hệ thống đường ống phức tạp kết hợp cảng biển chuyên dụng. Những cảng này có nhiệm vụ hóa lỏng khí tự nhiên, gửi lên tàu và vận chuyển bằng đường thủy.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây khiến giới bảo hiểm từ chối cung cấp dịch vụ cho tàu hàng Nga. Các ngân hàng cũng không cho vay tiền trong thời gian dầu được vận chuyển.
Nga cần thu hút đối tác mua hàng bằng cách giảm giá. Ảnh: AFP. |
Vì vậy, để bù đắp thêm chi phí và rủi ro, các công ty dầu mỏ ở những quốc gia như Ấn Độ đang yêu cầu giảm giá mạnh.
Hoạt động xuất khẩu than có thể đi bằng đường bộ sang Trung Quốc và hiếm khi gặp trở ngại về hậu cần. Song, giá trị xuất khẩu than chỉ bằng 1/10 so với dầu mỏ và 1/4 so với xuất khẩu khí đốt.
Hơn thế, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào giao dịch đồng USD còn làm giảm nhu cầu của Trung Quốc với loại khoáng sản của Nga.
“Ngày nay, ngay cả những nhà kinh doanh than tư nhân của Trung Quốc cũng không muốn đụng đến than của Nga do lo ngại lệnh trừng phạt”, Zhou Xizhou, chuyên gia lĩnh vực năng lượng đang làm việc tại S&P Global, cho biết.
Tìm mọi cách
Bất chấp trở ngại, giới lãnh đạo năng lượng toàn cầu vẫn tin rằng Nga có thể tìm ra cách xuất khẩu ít nhất là dầu và than khi nhu cầu toàn cầu vẫn ở mức cao. Thế giới đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng từ mùa thu năm ngoái, thời điểm Trung Quốc gần như cạn kiệt than và mất điện diện rộng.
Giá khí đốt tự nhiên, dầu mỏ cũng như than đá đã tăng mạnh so với năm ngoái. Do đó, việc hạn chế bất kỳ nguồn năng lượng nào của Nga với thị trường thế giới đều khiến chúng tiếp tục gia tăng.
Vấn đề chính không phải giảm hay vô hiệu hóa xuất khẩu của Nga sang châu Âu mà là giảm doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga. Chúng không giống nhau
Fatih Birol, lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Quốc tế tại Paris
“Cuộc khủng hoảng năng lượng lần này trầm trọng hơn những năm 1970, mọi thứ khi đó đơn giản hơn nhiều khi chỉ xoay quanh dầu mỏ”, Daniel Yergin, nhà sử học năng lượng kiêm Phó chủ tịch S&P Global, nhận xét.
Một số lãnh đạo ngành năng lượng đang kêu gọi hướng đến những chính sách né lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu của Nga. Thay vào đó, mục tiêu là làm cho hoạt động xuất khẩu của Nga gặp khó khăn, từ đó mới có thể kéo giá hàng hóa xuống thấp.
Nga cần từng đồng USD đến từ doanh thu xuất khẩu ngay bây giờ. Quốc gia này đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ và chịu thiệt hại nghiêm trọng vốn đầu tư nước ngoài. Các chính phủ phương Tây trước đó cũng đóng băng một nửa dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương.
Khách hàng béo bở
Hiện tại, Nga xuất khẩu gần 5 triệu thùng dầu thô và 3 triệu thùng dầu diesel, xăng và các sản phẩm tinh chế khác mỗi ngày. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ đang sở hữu ngành công nghiệp lọc dầu và thường quan tâm đến dầu thô.
Ngược lại, khí đốt tự nhiên khó xuất khẩu hơn. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết khả năng hóa lỏng khí đốt tự nhiên và tải lên tàu của Nga chỉ bằng 1/10 lượng xuất khẩu. Lượng lớn chuyến hàng hiện tập trung đến Đông Á, đặc biệt là khu vực Nhật Bản.
Theo Marine Traffic, một dịch vụ giám sát hải trình, tàu Grand Aniva đã chuyển từ cung cấp LNG cho Nhật Bản và Đài Loan vào năm ngoái sang Trung Quốc trong hai tháng kể từ khi chiến sự bùng nổ.
Nhà máy xử lý khí đốt thuộc dự án xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Grand Aniva là một trong số ít tàu chở dầu vẫn cập cảng của Nga: Nó thuộc sở hữu của Sovcomflot, một công ty vận tải nhà nước vốn đã trở thành mục tiêu bị trừng phạt của phương Tây.
“Trung Quốc đã tìm ra giải pháp mua dầu Iran hay dầu Venezuela. Họ sẽ tìm ra giải pháp mua dầu của Nga”, Michal Meidan, Giám đốc nghiên cứu khí đốt và năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, nói.
Nga đang gia tăng các chuyến hàng khí đốt tự nhiên đến Trung Quốc thông qua một đường ống ở Siberia mới hoàn thành. Tuy nhiên, sự hạn chế về cơ sở hạ tầng đang thu hẹp khả năng bán khí đốt cho Trung Quốc.
Thương mại giữa Nga và Trung Quốc, phần lớn đến từ xuất khẩu năng lượng, đã tăng gần 30% trong ba tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Vị thế trên thị trường của Nga có thể cải thiện vào mùa thu. Phần lớn dầu của Nga rất nặng, có thể tạo ra thêm dầu diesel khi tinh chế. Dữ liệu từ Cơ quan Hải quan Liên bang Nga cho biết lượng xuất khẩu dầu diesel của đất nước nhiều gấp 10 lần so với xăng vào năm ngoái.
Đáng chú ý, Trung Quốc nổi tiếng là thị trường tiêu thụ dầu diesel hàng đầu thế giới với số lượng xe hạng nặng nhiều gấp đôi Mỹ.