Chia sẻ với AFP, Alfred Kammer - người đứng đầu Vụ châu Âu của IMF - kêu gọi các nước trong khu vực nhanh chóng giảm tiêu thụ, đồng thời tích trữ khí đốt tồn kho để tránh chịu thiệt hại nặng nề.
“Trong 6 tháng đầu tiên, châu Âu có thể đối phó với tình trạng mất nguồn cung khí đốt bằng cách thay thế hoặc sử dụng kho dự trữ. Tuy nhiên, nếu kéo dài đến mùa đông hoặc lâu hơn, kinh tế châu Âu sẽ đối mặt hậu quả đáng kể”, vị chuyên gia nhận định.
Để trừng phạt động thái đưa quân vào Ukraine, Mỹ cùng các nước phương Tây đã áp đặt lệnh cấm vận đối với năng lượng Nga. Ở chiều ngược lại, Moscow cũng nhen nhóm ý định ngừng xuất khẩu cho những quốc gia này.
Châu Âu đang chuyển hướng nhập khẩu năng lượng sang các quốc gia khác như Mỹ. Ảnh: AP. |
Tùy vào mức độ nghiêm trọng sắp tới, IMF dự đoán việc dừng toàn bộ nguồn cung khí đốt và dầu thô từ Nga có thể khiến Liên minh châu Âu (EU) thiệt hại 3% GDP.
Theo ông Kammer, EU không có nhiều lựa chọn ngoài việc thay thế và tìm kiếm nhà cung cấp mới.
Ngoài ra, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng cũng có vai trò quan trọng trong việc duy trì kho dự trữ năng lượng hiện tại trước nguy cơ bị gián đoạn.
Song, bất chấp tình trạng suy giảm tăng trưởng trước chiến sự ở Ukraine, vị chuyên gia cho rằng điều này không làm chệch hướng đà phục hồi của EU, đồng thời ít có khả năng dẫn tới một cuộc suy thoái diện rộng.
Dẫu vậy, các nền kinh tế lớn của khu vực sử dụng đồng tiền chung EUR, ngoại trừ Tây Ban Nha, sẽ suy yếu vào năm 2022 và trải qua 1-2 quý GDP cận 0 hay thậm chí rơi về mức âm.