Theo Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Nga mới đây thông báo thặng dư tài khoản vãng lãi đạt 58,2 tỷ USD trong quý I/2022, gấp đôi mức 22,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 1994.
Phần lớn doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Mặt khác, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và phương Tây chứng kiến đà sụt giảm mạnh.
Nguồn thu khổng lồ này là dòng ngoại tệ quan trọng trong thời kỳ căng thẳng xung đột, giúp giới chức Nga thanh toán hàng nhập khẩu, hỗ trợ nền kinh tế và đồng RUB.
Sofya Donets - nhà kinh tế học tại Renaissance Capital - ước tính thặng dư của Nga có thể đạt 19 tỷ USD trong tháng 3, tháng đầu tiên của cuộc xung đột.
“Sức ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt vẫn chưa thể hiện rõ đối với số liệu xuất khẩu trong tháng 3”, bà nhận định.
Doanh thu chủ yếu đến từ xuất khẩu năng lượng. Ảnh: Getty. |
Dù phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây và đối mặt nguy cơ suy thoái lớn nhất trong nhiều thập kỷ, hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga vẫn được duy trì cũng như hưởng lợi từ giá cả leo thang.
Bloomberg dự kiến Nga sẽ thu về 321 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng trong năm 2022. Viện Tài chính Quốc tế cũng cho biết thặng dư tài khoản vãng lai của Nga có khả năng đạt 240 tỷ USD.
Giá năng lượng tăng cao trong quý đầu tiên giúp ngân sách Nga thu về 3,4 tỷ USD. Suốt nhiều năm qua, quốc gia này đã xây dựng kho dự trữ trị giá 643,2 tỷ USD, đồng thời hạn chế tiếp xúc với đồng USD.
Từ ngày 1/1/2022, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết đã cắt giảm tỷ trọng dự trữ USD từ 21,2% xuống 10,9%. Dự trữ EUR tăng từ 29,2% lên 33,9%, dự trữ CNY tăng từ 12,8% lên 17,1% trong khi dự trữ vàng giảm nhẹ xuống 21,5%.
Song, Nga hiện chỉ có khả năng tiếp cận một nửa kho dự trữ trước các lệnh trừng phạt.
“Dù các nước phương Tây đóng băng kho dự trữ, Nga vẫn có đủ lượng dự trữ vàng và CNY’, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina, tuyên bố.
Năm ngoái, tỷ trọng tài sản nắm giữ tại Đức của ngân hàng này tăng từ 10,8% lên 15,7%, tại Trung Quốc tăng từ 14,2% lên 16,8%.