Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đức khó thoát khỏi năng lượng Nga

Từ lâu, khí đốt, dầu mỏ và than đá của Nga đã gắn bó mật thiết với nền kinh tế và người dân Đức.

Theo New York Times, tính riêng trong năm 2021, hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên và 1/3 lượng dầu nhập khẩu của Đức bắt nguồn từ Nga. Quốc gia này cũng cung cấp than gần một nửa lượng than mà Đức nhập khẩu để sản xuất thép.

Kể từ thời điểm tiến hành các chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đang là mục tiêu trừng phạt của phương Tây. Không chỉ tài chính, giới chức châu Âu còn xem xét áp đặt thêm lệnh trừng phạt lĩnh vực năng lượng xuất khẩu của Nga.

Trong khi đó, Đức đang đứng trước 2 lựa chọn. Nếu tiếp tục tham gia trừng phạt Nga, nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể đánh mất nguồn cung năng lượng cần thiết.

Quá phụ thuộc vào năng lượng Nga

“Việc Đức trở nên phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng nhập khẩu từ Nga thật sai lầm”, Christian Lindner, Bộ trưởng Tài chính Đức, nhận định.

Lindner cho biết Đức ủng hộ gói trừng phạt thứ 5 chống lại Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than, được Chủ tịch Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen công bố hôm 5/4.

Đây có thể là bước ngoặt đối với nguồn cung năng lượng của Berlin. Thời gian gần đây, nhiều lãnh đạo, công đoàn trong lĩnh vực hóa chất, sản xuất thép, dược phẩm cho đến bánh kẹo đã cảnh bảo viễn cảnh rơi vào đình trệ cũng như mất việc làm nếu nguồn cung khí đốt, dầu thô và than không ổn định.

Duc phu thuoc vao nang luong Nga anh 1

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã có chuyến thăm các đối tác năng lượng để củng cố mối quan hệ. Ảnh: AP.

Ngoài ảnh hưởng tới doanh nghiệp, cuộc sống của hàng triệu người dân Đức còn phụ thuộc vào năng lượng từ Nga. Hiện nay, gần một nửa số hộ gia đình ở Đức sử dụng khí đốt tự nhiên để sưởi ấm. Loại năng lượng này cũng được sử dụng để tạo ra điện trong ngành công nghiệp nặng.

Song, theo một báo cáo của giới kinh tế học tại Học viện Khoa học Quốc gia Leopoldina, Đức có thể kiểm soát việc gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga nếu tăng cường tìm kiếm nguồn năng lượng khác.

Để hiện thực hóa kế hoạch này, Robert Habeck - Phó thủ tướng Đức phụ trách mảng năng lượng - đã có chuyến thăm Qatar và Mỹ để đảm bảo mối quan hệ đối tác năng lượng. Dự kiến, Đức đã giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga từ 40% xuống 15% trong 3 tháng đầu năm.

Nhiều ngành công nghiệp lao đao

Tuy nhiên, giới lãnh đạo ngành năng lượng vẫn chưa đưa ra bất cứ lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Martin Brudermüller - người điều hành nhà sản xuất hóa chất BASF - cảnh báo động thái cắt nguồn cung sẽ gây ra những thiệt hại không thể phục hồi. Vệc chuyển đổi khí đốt của Nga sang các nhà cung cấp khác hoặc các nguồn năng lượng thay thế cần từ 4 đến 5 năm thay vì vài tuần.

“Chúng ta muốn tiêu diệt toàn bộ nền kinh tế quốc gia một cách mù quáng sao? Chúng tôi đã gây dựng biết bao thành tựu trong nhiều thập kỷ. Tôi nghĩ rằng một cuộc thử nghiệm như vậy thật sự vô trách nhiệm”, Brudermüller bức xúc.

Khí đốt là nguồn năng lượng quan trọng nhất với hầu hết công ty thuộc ngành công nghiệp bánh kẹo Đức.

Hiệp hội Công nghiệp Bánh kẹo Đức

Tương tự, các nhà sản xuất chocolate, đồ ăn nhẹ và đồ ngọt của Đức cũng tin rằng tình trạng thiếu năng lượng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động phát triển.

Cuối tuần trước, Lithuania tuyên bố ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga từ tháng 4. Tuy nhiên, quốc gia 2,8 triệu dân chỉ phụ thuộc 11% vào khí đốt trong khi Đức là 27%. Năm nay, chính phủ Đức cam kết tài trợ 500 triệu EUR để xây dựng kho cảng cần thiết cho việc nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) nhằm thay thế 56 tỷ m3 nguồn cung từ Nga hàng năm.

Không chỉ cung cấp lượng lớn khí đốt, Nga còn sở hữu và vận hành hàng nghìn km đường ống và một số bể chứa quan trọng ở Đức thông qua các công ty con của tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom. Trong số đó phải kể đến Astora, công ty sở hữu bể chứa khí đốt tự nhiên dưới lòng đất lớn nhất Tây Âu.

Hôm 4/4, Phó thủ tướng Habeck thông báo đặt Gazprom Germania, công ty mẹ của Astora và công ty con của Gazprom tại Đức, dưới sự kiểm soát của chính phủ cho đến ít nhất tới tháng 9. Đây được xem là bước đi quan trọng trong việc giành quyền cung cấp khí đốt từ tay Nga.

Thách thức hạ tầng

Hơn 1/3 tổng số dầu tinh chế ở Đức bắt nguồn từ Nga, phần lớn chảy trực tiếp đến các cơ sở ở miền đông nước này thông qua hệ thống đường ống thời Chiến tranh Lạnh.

Vì vậy, nếu muốn thay thế dầu của Nga, Đức còn phải tìm cách vận chuyển dầu đến các nhà máy lọc ở phía đông đất nước. Hiện tại, không có hệ thống đường ống nào vượt qua ranh giới cũ chia cắt Đông và Tây Đức.

Năm 2021, Đức đã mua 27 tỷ tấn dầu từ Nga. Tuy nhiên, Đức đã bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung dầu của mình, đồng thời đưa tỷ trọng của Nga từ 35% xuống còn 25% trong 3 tháng đầu năm nay.

Duc phu thuoc vao nang luong Nga anh 2

Đức đã đóng cửa mỏ than cuối cùng vào năm 2018. Ảnh: Reuters.

Bắt đầu từ giữa tháng 4, công suất chế biến dầu nhập từ Nga của nhà máy lọc dầu Leuna ở Đông Đức sẽ chỉ bằng 50% so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu PCK nằm ở phía đông, do công ty năng lượng Nga Rosneft nắm cổ phần lớn, không muốn giảm sản lượng tinh chế năng lượng của Nga.

Than là nguồn năng lượng dễ thay thế nhất. Tuy nhiên, Đức vẫn phụ thuộc một nửa lượng than cứng nhập khẩu từ Nga sau khi đóng cửa mỏ khai thác cuối cùng vào cuối năm 2018.

Dù nằm trong kế hoạch cắt giảm phụ thuộc, 25% nhu cầu than của đất nước này vẫn được Nga đáp ứng. Đức dự kiến sẽ ngừng nhập khẩu than hoàn toàn vào cuối mùa hè.

Song, cho đến lúc đó, ông Habeck vẫn khẳng định Đức cần nguồn cung năng lượng ổn định để duy trì vai trò là đầu tàu kinh tế của khu vực. Tình trạng này đặc biệt khó khăn khi châu Âu đang phải chia sẻ gánh nặng thiếu hụt năng lượng của Ukraine.

Mỹ đối mặt rủi ro lớn nếu hỗ trợ khí đốt cho châu Âu

Các lô hàng xuất khẩu khí đốt ra nước ngoài nhằm thay thế nguồn cung cấp của Nga ở châu Âu đang tăng giá năng lượng tại Mỹ.

Nord Stream 2 đang chết yểu

Dự án ống dẫn khí Nord Stream 2 nối liền Nga và Đức đang hứng chịu thiệt hại từ cuộc chiến ở Ukraine.

Ngọc Phương Linh

Bạn có thể quan tâm