Theo CNBC, một trong những thiệt hại đầu tiên của cuộc chiến giữa Nga - Ukraine về mặt địa chính trị và kinh tế chính là đường ống dẫn khí Nord Stream 2, dự án năng lượng tiêu tốn 11 tỷ USD. Với chiều dài 1.234 km nối liền Nga và Đức, Nord Stream 2 được khởi công từ năm 2018.
Trước khi Nga tiến hành các chiến dịch quân sự tại Ukraine, số phận không mấy tốt đẹp của Nord Stream 2 dường như đã được báo trước. Ngay trong giai đoạn xây dựng, đường ống này đã trở thành vấn đề địa chính trị của châu Âu và Mỹ trước khi hoàn thành vào tháng 9 năm ngoái.
Tháng 11/2021, cơ quan quản lý năng lượng Đức tạm dừng quá trình chứng nhận vận hành đường ống. Động thái này được đưa ra giữa bối cảnh Nga tập trung lực lượng quân sự dọc biên giới Ukraine.
Nord Stream 2 có chiều dài 1.234 km. Ảnh: Euronews. |
Tương lai bất định
Tuy nhiên, việc Nga quyết định tấn công Ukraine và công nhận hai khu vực ly khai là giọt nước tràn ly đối với Nord Stream 2, buộc chính phủ Đức dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz phải dừng hoàn toàn quá trình chứng nhận.
Cuộc chiến nhanh chóng đẩy châu Âu vào khủng hoảng địa chính trị, đồng thời đẩy những dự án hợp tác giữa Nga và châu Âu, trong đó có Nord Stream 2, ra bờ vực.
“Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã giết chết Nord Stream 2. Nói tóm lại, sau hành vi của Nga, khó có khả năng Đức hoặc bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác cho phép đường ống hoạt động trở lại”, Kristine Berzina, thành viên cấp cao kiêm trưởng nhóm địa chính trị tại Quỹ Marshall German của Mỹ, nhận định.
Theo vị chuyên gia, ngay cả những đường ống khác đang hoạt động cũng đứng trước một tương lai bất định.
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã giết chết Nord Stream 2
Kristine Berzina, thành viên cấp cao kiêm trưởng nhóm địa chính trị tại Quỹ Marshall German
Đầu tháng 3, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu vào cuối năm 2022, đồng thời chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga vào năm 2030. Trước đó, 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu đều bắt nguồn từ Nga.
Quốc gia này nhanh chóng đáp trả và yêu cầu những nước “không thân thiện” phải thanh toán khí đốt xuất khẩu bằng RUB thay vì sử dụng USD hay EUR. Song, nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7) đều phản đối yêu cầu này.
Trong bối cảnh căng thẳng hiện tại, giới phân tích tỏ ra nghi ngờ về tương lai của Nord Stream 2.
“Chúng tôi không tin rằng Nord Stream 2 sẽ được đưa vào vận hành”, Kateryna Filippenko, nhà phân tích, nghiên cứu khí đốt châu Âu tại Wood Mackenzie, chia sẻ.
“Châu Âu đã khẳng định thái độ và quyết tâm đa dạng hóa khí đốt của Nga. Trong khi đó, Nga đe dọa sẽ ngừng dòng khí đốt đến châu Âu nếu các khoản thanh toán không được thực hiện bằng đồng RUB. Thật khó để thấy mối quan hệ hợp tác giữa châu Âu và Nga có thể bật đèn xanh cho Nord Stream 2, thậm chí trong một vài năm nữa”, bà nói thêm.
Các nhà đầu tư rút vốn
Nord Stream 2 được phát triển và vận hành bởi Nord Stream 2 AG, công ty con có trụ sở ở Thụy Sĩ của tập đoàn Gazprom. Tuy nhiên, việc đầu tư đường ống còn có sự tham gia của một số công ty châu Âu khác như Uniper, Wintershall Dea, BASF, Engie, OMV hay Shell.
Sau khi các doanh nghiệp phương Tây đồng loạt rút khỏi Nga, những công ty năng lượng liên quan đến Nord Stream 2 đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn.
Tương tự OMV và Uniper, đầu tháng 3, Wintershall Dea thông báo xóa bỏ khoản tài trợ 1,1 tỷ USD. Tập đoàn Shell cũng tuyên bố rút khỏi dự án này.
“Điều kiện tiên quyết để chứng nhận điều hành Nord Stream 2 là nhận được đánh giá tích cực từ Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang rằng an ninh nguồn cung không bị đe dọa”, Bundesnetzagentur, cơ quan quản lý năng lượng của Đức, cho biết.
Kế hoạch độc lập với năng lượng Nga của EU trước năm 2030 cho thấy chúng ta khó có thể thấy khí đốt tự nhiên chảy qua đường ống
Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ING
Theo Warren Patterson - người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ING - việc Đức quay lưng với khí đốt của Nga thể hiện sự mâu thuẫn giữa Nord Stream 2 và chính sách năng lượng của EU.
Bên cạnh đó, nhà điều hành Nord Stream 2 có thể sẽ chờ xem liệu có bất cứ tương lai tích cực nào đối với đường ống sau khi chiến tranh kết thúc hay không.
“Nếu không, họ cần đưa ra quyết định từ bỏ hoặc thu hồi đường ống. Tuy nhiên, rõ ràng đây sẽ là một quá trình rất tốn kém”, ông nhận xét.
Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá có xuất xứ từ Nga trong khi EU cấm các khoản đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng. Ngoài ra, Anh cũng tuyên bố trừng phạt các nhà lãnh đạo trong ngành năng lượng Nga.
Số phận của Nord Stream 2 giờ đây phụ thuộc vào kết quả từ cuộc chiến Nga - Ukraine. Tuy nhiên, nhiều lo ngại cho rằng tình hình chiến sự đang dần trở thành một cuộc chiến tranh tiêu hao nơi không ai giành chiến thắng.
Kết quả của cuộc chiến ở Ukraine sẽ quyết định
Đến nay, những cuộc đàm phán đôi bên để tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Theo Henning Gloystein - Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group - Nord Stream 2 sẽ có cơ may được khởi động lại chỉ khi cuộc chiến đi đến hồi kết. Ngoài ra, việc đảm bảo lãnh thổ và hòa bình cho Ukraine cũng được xem như yếu tố xoay chuyển tình thế.
Tuy nhiên, Gloystein lưu ý chính phủ Đức không mong đợi sự hồi sinh của Nord Stream 2.
Bên cạnh đó, thay vì dẫn khí, đường ống có khả năng sẽ được chuyển đổi cho mục đích cung cấp hydrogen, đặc biệt khi Nga là nhà cung cấp hydrogen tiềm năng trong tương lai.
“Với những người muốn không rơi vào tình thế phụ thuộc vào Nga, điều quan trọng là phải theo dõi xem liệu những chính trị gia ở Đức có muốn khôi phục quan hệ năng lượng với Nga bằng nhiên liệu mới hay không. Nếu châu Âu khuất phục trước năng lượng nhập khẩu một lần nữa, điều này sẽ chỉ làm giàu cho nước Nga”, Berzina cảnh báo.
Số phận của đường ống phụ thuộc vào kết quả ở Ukraine. Ảnh: Getty. |
Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 luôn gây tranh cãi kể từ khi Gazprom và một số công ty năng lượng châu Âu đồng ý xây dựng vào năm 2015.
Nga và Đức, dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel, khẳng định rằng đường ống này là một liên doanh thương mại thuần túy có nhiệm vụ làm giảm giá khí đốt cho người tiêu dùng châu Âu. Tuy nhiên, việc dự án được bật đèn xanh một năm sau khi Nga sáp nhập Crimea đã khiến Berlin hứng chịu nhiều chỉ trích.
Nhiều nghi ngại cho rằng đường ống sẽ chỉ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nhập khẩu khí đốt của Nga và do đó làm giảm an ninh năng lượng của khu vực.
Tuy nhiên, nếu không có đường ống, Ukraine có thể mất hàng tỷ USD phí vận chuyển khí đốt xuyên nội địa từ Nga trong khi Mỹ từ lâu đã để mắt đến việc tăng xuất khẩu LNG sang châu Âu.