Từ lâu, Algeria chỉ có mức đóng góp trung bình trong cuộc chơi xuất khẩu dầu và khí đốt. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn nguồn cung và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã tạo cơ hội cho quốc gia Bắc Phi bứt phá.
Vài tuần trước, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã có chuyến thăm thủ đô Algiers nhằm thúc đẩy thỏa thuận nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Algeria. Thông qua đường ống chạy bên dưới Địa Trung Hải, Italy dự kiến tăng lượng nhập khẩu khí đốt từ nước này lên 40%.
Ngoài Algeria, Angola, Nigeria, Congo cũng đang nổi lên như một điểm sáng về nguồn cung năng lượng tiềm năng cho châu Âu. Trong khi đó, một vài quốc gia khác vẫn tìm đến những nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đáng tin cậy như Mỹ và Qatar dù giá cao hơn sau khi giảm dần lượng nhập khẩu từ Nga.
Những động thái này là một phần của cuộc tranh giành nguồn cung ở châu Âu. Mới đây, để đáp trả những biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên cho Bulgaria và Ba Lan sau khi những nước này từ chối thanh toán hóa đơn năng lượng bằng RUB.
Các nước châu Âu đang tìm nguồn cung từ châu Phi. Ảnh: Bloomberg. |
Đảo lộn trật tự
Căn cứ hầu hết kịch bản, 18 tháng tới sẽ là giai đoạn khó khăn với châu Âu khi các kho dự trữ năng lượng dần cạn kiệt và giá cả leo thang. Nếu Nga cắt giảm nguồn cung, khu vực này khó có lựa chọn thay thế để tránh thiệt hại về kinh tế suốt mùa đông tới.
Ví dụ, trong tháng này, Ngân hàng Trung ương Đức cảnh báo nền kinh tế quốc gia có thể giảm 2% nếu chiến tranh kéo dài.
“Đây là một trò chơi nguy hiểm. Tôi không chắc chuyện này sẽ kết thúc ra sao. Nhưng có lẽ sẽ có một kết cục tồi tệ cho cả Tây Âu và Nga”, Edward Chow, học giả về an ninh năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định.
Theo vị chuyên gia, LNG không phải thứ hàng hóa mà các quốc gia có thể đẩy mạnh sản lượng tùy ý, ngay cả khi muốn như vậy.
Daniel Yergin - nhà sử học lĩnh vực năng lượng kiêm Phó chủ tịch S&P Global - cho rằng sự thay đổi đột ngột của Nga khiến thị trường năng lượng toàn cầu bị đảo lộn. Quốc gia này đã dành nhiều thập kỷ sử dụng trữ lượng dầu khí hào phóng làm công cụ hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Thị trường khí đốt của châu Âu đang trở thành một bức tranh chắp vá. Italy có thể quay sang Algeria, Bulgaria có thể quay sang Hy Lạp trong khi Ba Lan có thể tìm kiếm nguồn cung từ LNG nhập khẩu hoặc dẫn về từ Na Uy.
“Thị trường năng lượng thế giới đang sắp xếp lại một cách ấn tượng, bất ngờ. Hai tháng trước, người châu Âu còn không nghĩ đến việc từ chối năng lượng Nga. Giờ thì mọi người đang tự hỏi tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu”, Yergin nhận xét.
Trên thực tế, quá trình này diễn ra chỉ cách đây 2 tháng. Yersin cho rằng vỏn vẹn trong 8 tuần, ông Putin đang thay đổi thứ nước Nga đã xây dựng trong 22 năm là hội nhập nền kinh tế thế giới.
Nhiều nước châu Âu bắt buộc phải mua LNG đắt đỏ từ Mỹ hay Qatar. Ảnh: NBC. |
Năng lượng trở nên đắt đỏ
Đức, đầu tàu kinh tế của châu Âu, vốn phụ thuộc hơn 50% nguồn cung cấp khí đốt từ Nga trước khi chiến sự nổ ra, đã thu hẹp con số xuống còn 35%.
Mặt khác, Đức không có nhiều lợi thế nếu loại bỏ khí đốt của Nga. Quốc gia này thiếu thốn cơ sở hạ tầng để nhập LNG, đồng thời chỉ có 3 nhà máy điện hạt nhân còn hoạt động, 14 chiếc còn lại đã bị đóng cửa sau sự kiện sóng thần tấn công khu phức hợp Fukushima ở Nhật Bản vào năm 2011.
Trước đó, Đức đã cố gắng giảm thiểu thị phần nhập khẩu dầu thô của Nga từ 35% xuống 12%. Để duy trì trữ lượng, quốc gia này thậm chí lên kế hoạch phân bổ năng lượng chủ yếu đến những khu vực quan trọng.
Khí đốt sẽ được ưu tiên cho các bệnh viện và hộ gia đình. Tuy nhiên, điều này khiến các doanh nghiệp dễ dàng bị mất điện. Các quan chức và giới phân tích cảnh báo tình trạng gián đoạn nguồn cung có thể gây ra suy thoái nặng nề hơn dự kiến, đồng thời đẩy hàng trăm nghìn người mất việc và gia tăng lạm phát.
Thay vì mua năng lượng từ Nga với chi phí sản xuất thấp và vận chuyển rẻ, châu Âu trước mắt phải chuyển sang những lựa chọn khác tốn kém hơn như Mỹ.
Để có một tàu chở LNG từ Vịnh Mexico đến châu Âu, các công ty phải bỏ thêm 1,5 USD/1.000 ft3, tương đương 30-50% chi phí mua khí đốt ban đầu. Con tàu trống sau đó phải thực hiện chuyến trở về, tổng cộng hành trình mất 24 ngày vận chuyển.
Thu hẹp lượng nhập khẩu từ Nga không dễ. Ảnh: AFP. |
Năng lượng tái tạo khó khả thi
Các quốc gia châu Âu đang nỗ lực nhanh nhất có thể để đa dạng hóa nguồn cung cấp. Song, những nhà sản xuất năng lượng khó lòng theo kịp.
Một dự án sản xuất khí đốt thông thường tốn 2-4 năm triển khai. Đó là chưa kể sự cảnh giác của giới đầu tư khi chính phủ và các doanh nghiệp đang hướng đến những loại năng lượng thân thiện với môi trường.
Cliff Kupchan - nhà phân tích chính trị kiêm Chủ tịch công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group - cho biết quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của châu Âu sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề dài hạn và phức tạp.
Vấn đề không nằm ở nguồn cung. Có rất ít hợp đồng sử dụng năng lượng tái tạo được ký mới và sẵn sàng bắt đầu trước năm 2024
Flemming Sorenson, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Châu Âu của công ty năng lượng tái tạo LevelTen Energy
Giá năng lượng tái tạo trên thế giới đã tăng mạnh trong năm qua sau gần hai thập kỷ sụt giảm. Bên cạnh đó, khu vực châu Âu hiếm khi có cơ hội mở rộng quy mô khách hàng.
Trong một cuộc phỏng vấn, Roberto Cingolani - Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi năng lượng của Italy - tuyên bố đang chạy đua để đạt được các thỏa thuận với một số quốc gia châu Phi cũng như hy vọng độc lập về năng lượng với Nga vào đầu năm 2024.
Ông cho biết Italy có vị trí tốt hơn phần lớn nước thuộc EU để thực hiện quá trình chuyển đổi. Quốc gia này hiện có hai đường ống dẫn nối với châu Phi và một đường đi về phía đông tới Azerbaijan.
Tuy nhiên, kế hoạch dự phòng vẫn tiêu tốn rất nhiều thời gian. Nếu Nga đột ngột cắt nguồn cung, Italy sẽ bị tổn thương trong ngắn hạn.