Theo CNN, kể từ thời điểm sáp nhập Crimea, Nga đã tiến hành xây dựng chính sách tự lực cánh sinh và chuẩn bị đối phó các biện pháp trừng phạt của phương Tây với kế hoạch “pháo đài Nga”.
Tuy nhiên, quy mô của những lệnh trừng phạt đánh vào kinh tế lần này cùng làn sóng doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi thị trường thực sự là một cú sốc.
Trong một lần đề cập đến động thái đóng băng một nửa kho dự trữ ngoại hối trị giá 600 tỷ USD của phương Tây vào tháng 3, Ngoại trưởng Sergey Lavrov đánh giá không một nhà phân tích nào có thể tính đến những lệnh trừng phạt như hiện tại.
Vài tuần trở lại đây, Tổng thống Vladimir Putin cũng dành nhiều thời gian để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây thiệt hại cho phương Tây nhiều hơn Nga. Mặt khác, ông vẫn chuẩn bị phương án ổn định kinh tế đất nước cho cả chặng đường dài.
“Phương Tây không có kế hoạch từ bỏ chính sách gây áp lực lên kinh tế Nga. Do đó, mọi lĩnh vực của nền kinh tế cần lập phương án dài hạn dựa trên những cơ hội bên trong”, ông Putin chia sẻ trong cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo công ty hàng không.
Bên cạnh đó, Nga sẵn sàng thách thức lệnh trừng phạt trước tòa, đồng thời dọa kiện trong trường hợp đất nước vỡ nợ vì tài sản bị đóng băng.
Việc bảo vệ kinh tế Nga về lâu về dài đang là cơn đau đầu của ông Putin. Ảnh: AFP. |
Xây dựng hệ thống tài chính riêng
Từ lâu, Nga đã chuẩn bị đối mặt viễn cảnh bị cô lập tài chính bằng cách xây dựng hệ thống thẻ thanh toán quốc gia mang tên Mir.
Theo Ngân hàng Trung ương Nga, hơn 113 triệu thẻ Mir đã được phát hành vào năm 2021. Tính đến cuối năm 2016, con số này chỉ rơi vào khoảng 1,76 triệu đơn vị. Cũng trong năm ngoái, khoảng 1/4 tổng số thanh toán thẻ ở Nga được thực hiện bằng Mir.
“Chính phủ không cần khiến Mir trở nên hấp dẫn trong mắt người dân Nga. Họ chỉ cần yêu cầu nhân viên công chức, người hưu trí và bất kỳ ai nhận trợ cấp sử dụng thẻ Mir”, Maria Shagina, thành viên cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, cho biết.
Do đó, khi Visa hay Mastercard thông báo tạm ngừng giao dịch và hoạt động, Nga nhanh chóng có giải pháp thay thế. Song, hệ thống thẻ này chưa thực sự phổ biến và chỉ hoạt động ở Nga và một số quốc gia khác, chủ yếu thuộc Liên Xô cũ.
Tình trạng phạm vi tiếp cận toàn cầu bị hạn chế cũng cản trở những nỗ lực của Nga trong việc xây dựng phương án thay thế hệ thống nhắn tin liên ngân hàng quốc tế SWIFT. Tính đến năm ngoái, phiên bản tương tự là SPFS mới có 400 đơn vị tham gia, ít hơn gần 28 lần so với SWIFT.
“Những người nước ngoài không muốn tham gia mạng lưới này. Nếu không thể tin tưởng Nga ở một số khía cạnh khác, làm sao họ có thể tin tưởng SPFS”, bà Shagina nhận định.
Nga bị cô lập khỏi hệ thống tài chính thế giới. Ảnh: Reuters. |
Tạo việc làm
Elina Ribakova - Phó kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế ở Washington - cho rằng Nga vẫn chưa đối mặt với tình trạng thất nghiệp hàng loạt.
Dẫu vậy, Moscow đang cố gắng giải quyết vấn đề thất nghiệp tiềm ẩn thông qua chương trình đào tạo và thuê người lao động từng làm việc ở công ty phương Tây.
Sergey Sobyanin - Thị trưởng Moscow - ước tính có tới 200.000 việc làm đang gặp rủi ro. Hiện tại, vị quan chức đề xuất tạo thêm nhiều việc làm tại các công trình công cộng như công viên, trung tâm y tế hay cơ quan nhà nước. Nga cũng bỏ ra 41 triệu USD tài trợ cho hoạt động đào tạo người lao động và kiếm việc làm.
Cho đến nay, Nga đã xoay xở mọi cách để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng thời giữ vững hệ thống tài chính không rơi vào sụp đổ. Phần lớn sự thành công xuất phát từ động thái tăng lãi suất lên tới 20% và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt của ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa kinh tế Nga không bị đe dọa. Theo IMF, GDP của Nga có thể giảm 8,5% trong năm nay. Quốc gia này thậm chí sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu châu Âu chính thức thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu thô.
Lạm phát của Nga hiện ở mức 17,5%. Tổng thống Vladimir Putin cũng lên tiếng thừa nhận vấn đề này đang gây tổn hại cho cuộc sống của người dân.
Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất với Nga là sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu, vốn nằm trong danh mục bị trừng phạt. Vấn đề này có thể khiến Điện Kremlin đau đầu hơn so với kinh tế vĩ mô.
Nhiều lao động Nga rơi vào tình trạng thất nghiệp do doanh nghiệp nước ngoài rời bỏ thị trường. Ảnh: TASS. |
Đẩy mạnh sản phẩm nội địa
Việc sản xuất Lada, thương hiệu ôtô nội địa của Nga mang tính biểu tượng từ thời Liên Xô của AvtoVAZ, phụ thuộc chủ yếu vào linh kiện nhập khẩu. Trong khi đó, AvtoVAZ nay đang thuộc sở hữu của nhà sản xuất ôtô Pháp Renault.
Ngày 24/3, trước thông tin Renault sắp rút lui khỏi thị trường Nga, AvtoVAZ nhanh chóng thiết kế lại một số mẫu xe Lada để tránh bị gián đoạn nguồn cung linh kiện và phụ tùng.
Công ty không tiết lộ chi tiết kế hoạch. Tuy nhiên, theo Evgeny Eskov - Tổng biên tập tạp chí ngành công nghiệp ôtô của Nga Auto Business Review - các mẫu xe nằm trong diện phải chỉnh sửa sẽ có thiết kế đơn giản hơn, thậm chí không có các tính năng quan trọng như phanh ABS.
Theo công ty phân tích Brand Analytics, tính đến nay, Instagram là mạng xã hội hàng đầu tại Nga dựa trên lượng người dùng hàng tháng, kế tiếp đó là Vkontakte, mạng xã hội nội địa Nga tương tự Facebook.
Kể từ thời điểm tiến hành các chiến dịch quân sự ở Ukraine, cơ quan quản lý truyền thông Nga đã chặn quyền truy cập vào Facebook và Instagram. Nhân cơ hội này, Vkontakte đang tìm mọi cách thu hút người dùng và giới sáng tạo nội dung tham gia nền tảng.
Nhằm hiện thực hóa tham vọng, Vkontakte tung ra hàng loạt chính sách ưu đãi như tính trước hoa hồng cho tất cả nội dung kiếm tiền hay cung cấp quảng cáo miễn phí cho người dùng chuyển từ mạng xã hội khác.
Chiến dịch này đã thu về một số thành công nhất định. Brand Analytics cho biết Instagram đã mất gần một nửa số người dùng nói tiếng Nga từ ngày 24/2-6/4 trong khi dữ liệu của Vkontakte ghi nhận lượng người dùng hàng tháng đạt kỷ lục 100 triệu đơn vị vào tháng 3.