Hệ thống phòng không đất đối không S-400.
RIA Novosti dẫn lời Tổng giám đốc Viện thiết kế GSKB Almaz-Antei, ông Vitaly Neskorodov, cho biết: “Theo kế hoạch, chúng tôi sản xuất 2-3 bộ trang bị cấp trung đoàn/năm. Năm tới, khối lượng sản xuất sẽ chỉ có tăng, chứ không giảm”.
Trung đoàn S-400 đầu tiên bắt đầu trực chiến vào năm 2007 cách không xa thành phố Elektrostal, ngoại ô Moscow. Đến nay, quân đội Nga đã thành lập 5 trung đoàn S-400: 2 ở ngoại ô Moscow, 1 Hạm đội Baltick, 1 ở Hạm đội Thái Bình Dương va 1 ở Quân khu Miền Nam. Mỗi trung đoàn được biên chế 2 tiểu đoàn S-400, mỗi tiểu đoàn có 8 xe bệ phóng.
S-400 được trang bị trong khuôn khổ chương trình vũ khí nhà nước giai đoạn 2011-2020. Chương trình này dự định mua sắm 28 trung đoàn S-400.
Trước đó, có tin, Nga sẽ ưu tiên triển khai S-400 tại các khu vực duyên hải và biên giới của Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph là hệ thống thế hệ mới tầm xa và tầm trung, được thiết kế để tiêu diệt tất cả các phương tiện tấn công phòng không vũ trụ hiện tại và tương lai, máy bay trinh sát, máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa chiến thuật và tên lửa đạn đạo tầm trung, mục tiêu siêu thanh và máy bay giám sát radar và máy bay điều khiển.
S-400 (NATO đặt tên SA-21 Growler) là phiên bản nâng cấp từ hệ thống tên lửa đất đối không lưỡng tầm (tầm trung và tầm xa) đất đối không (Surface to Air Missile – SAM) S-300.
Trước đây S-400 được biết đến với cái tên S-300PMU-3 tích hợp nhiều tính năng kỹ chiến thuật vượt trội, hơn hẳn so với các phiên bản S-300 trước đó như S-300PMU1, S-300PMU2. S-300V… với tầm bắn hiệu quả lớn gấp 2 lần hệ thống tên lửa Patriot MIM-104 của quân đội Mỹ.
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 có thể phát hiện được các mục tiêu trên không ở cự ly cách xa 250 dặm (400 km) như các loại phi cơ ném bom - chiến đấu, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
S-400 được thiết kế để phóng tên lửa theo chiều thẳng đứng, tương tự như hệ thống S-300. Sau khi phóng tên lửa bay theo hướng nghiêng phía mục tiêu định tiêu diệt, như vậy có thể đáp trả các đòn tấn công tập kích đường không của địch trên mọi hướng.
Sử dụng phương pháp này là giải pháp tối ưu cơ cấu phóng tên lửa, đồng thời giảm được thời gian chuyển hướng bắn của tên lửa, chính vì vậy thời gian chuẩn bị phóng được rút ngắn tới mức tối đa.