Nga - Mỹ bùng nhùng vì bê bối gián điệp quân sự
Nga mới đây tuyên bố rằng Kremlin không liên quan gì tới một mạng lưới của Mỹ nhằm buôn lậu công nghệ quân sự sang Moscow.
Giữa Nhà Trắng (Mỹ) và Kremlin (Nga) thỉnh thoảng lại có bê bối gián điệp. |
Hôm qua, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đã phá vỡ một mạng lưới tinh vi nhằm chiếm đoạt các thành phần vi điện tử của Mỹ để chuyển cho quân đội và các cơ quan tình báo Nga. 11 người trong đó có công dân Nga đã bị kết tội.
Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước các cáo buộc này.
"Các lời buộc tội này đều có tính chất hình sự và không liên quan gì tới hoạt động tình báo" - Thứ trưởng Ngoại giao của Nga là Sergei Ryabkov nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết Washington đã thông báo cho Moscow rằng các lời cáo buộc này đều là tội phạm hình sự và không liên quan gì tới hoạt động gián điệp.
"Chúng tôi sẽ tìm hiểu tình hình và những gì thực sự đã xảy ra, và các tội danh mà công dân của chúng tôi đã bị tuyên" - ông Alexander Lukashevich nói.
Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Moscow và Washington cần cố gắng hơn nữa để củng cố quan hệ hai bên.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết 11 người này và các công ty có trụ sở ở Houston, Texas và Moscow đã bị kết tội xuất khẩu trái phép các thành phần công nghệ cao cho các cơ quan an ninh của Nga.
Một quan chức Mỹ cho biết Alexander Fishenko - nguyên quán Kazakhstan - đã nhập cư vào Mỹ năm 1994 và thường xuyên bay sang Nga. Người này đã bị kết tội hoạt động tình báo cho chính phủ Nga tại Mỹ mà không đăng ký.
Bộ Tư pháp Mỹ còn co biết ba người khác đang ở Nga, bao gồm Giám đốc điều hành Apex System là Sergei Klinov. Những người này đã đóng vai trò là đơn vị cung cấp thiết bị quân sự cho chính phủ Nga, làm việc thông qua các đơn vị thầu phụ.
Trong khi đó, ông Klinov hiện đang ở Moscow cho biết: "Thật lòng, tôi rất ưu phiền. Tôi không biết phải nói sao nữa. Mọi người đều có sự thật riêng của họ và đây chỉ là điều gì đó ở lưng chừng".
Khi được hỏi về việc ông có làm cho các cơ quan an ninh hay là Bộ Quốc phòng Nga hay không, Klinov trả lời rằng: "Chuyện này làm tôi quá bối rối. Giờ tôi không biết phải nói gì".
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và Bộ Quốc phòng Nga từ chối đưa ra bình luận ngay lập tức.
Lãnh đạo FSB là Alexander Bortnikov sau đó cho biết rằng ông đã yêu cầu các đơn vị an ninh kiểm tra vụ việc và giờ chưa phải là lúc đưa ra bình luận.
Một người nữa bị cáo buộc tên là Yuri Savin. Savin được cho là giám đốc marketing của công ty Atrilor, có trụ sở tại Nga. Tuy nhiên, công ty này cho biết họ không có nhân viên nào tên như vậy.
Bốn trong số tám người bị bắt là công dân Nga, trong đó có ba người cũng có quốc tịch Mỹ.
"Đối với tôi, việc này đơn thuần chỉ là kinh doanh, cho dù có thể rất rủi ro. Rất nhiều công ty và mọi người làm ăn kiểu này trong thời Liên Xô" - Andrei Soldatov, người đứng đầu nhóm cố vấn Agentura nói.
"Rất nhiều ông trùm từng khởi nghiệp theo cách này. Sẽ là sai lầm nếu nói rằng tất cả trong số họ là gián điệp" - Soldatov nói.
Theo Vietnamnet