Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga, hiểm họa IS và Brexit phủ bóng hội nghị NATO

Hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc hôm nay 8/7 với mục tiêu tăng cường sức mạnh để tạo đối trọng với Nga, và bàn về nỗ lực chống nhóm khủng bố IS cũng như thời kỳ hậu Brexit.

Cuộc họp thượng đỉnh của NATO diễn ra trong bối cảnh các quan ngại an ninh đang nhiều và nóng y như khi Chiến tranh Lạnh mới kết thúc. Khủng hoảng người nhập cư từ Trung Đông gây ra căng thẳng giữa các thành viên châu Âu, kéo theo đó là bóng ma khủng bố ở những thành phố lớn.

Bên cạnh đó, hoạt động quân sự của Nga ở Đông Ukraine và bán đảo Crimea khiến nhiều quốc gia Đông Âu lo lắng. Những nước này đã chứng kiến sự quyết liệt và khả năng quân sự gia tăng của Moscow sau chiến dịch oanh tạc ở Syria. Gần đây, Nga cũng đã công khai đề cập đến vũ khí hạt nhân.

Sự kiện nước Anh bỏ phiếu về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cũng gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất của khối này. Với các quan chức nhóm họp ở Warsaw, đó là thách thức đối với an ninh của châu Âu và những mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

hoi nghi thuong dinh NATO anh 1
Binh sĩ Đức theo dõi lính nhảy dù Mỹ, Anh và Italy trong một cuộc tập trận hồi tháng 4. Ảnh: AFP

Quyết đoán hơn với Nga

Nội dung đầu tiên và quan trọng nhất là các lãnh đạo NATO quyết định tăng cường sức mạnh răn đe trước sự quyết liệt của Nga, qua việc triển khai hàng nghìn binh sĩ đến 3 quốc gia vùng Baltic và Ba Lan. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định quyết định này "củng cố sức mạnh phòng vệ tập thể lớn nhất của chúng ta kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc".

Mỹ, Anh, Canada và Đức sẽ luân phiên triển khai quân để duy trì sự hiện diện lâu dài. Việc triển khai binh sĩ gửi thông điệp rõ ràng rằng mọi cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên NATO nào cũng là tấn công vào cả liên minh.

Theo New York Times, những chính sách của Nga ít nhất đã buộc các nước châu Âu trong NATO phải suy nghĩ lại việc giảm chi tiêu quân sự trong nhiều thập kỷ.

Tổng thư ký Stoltenberg cho biết, các đồng minh ở châu Âu dự kiến sẽ tăng chi tiêu quốc phòng trong năm nay, vốn là điều mà Washington luôn đề nghị. Tuy nhiên, mức tăng có thể chưa đạt 2% GDP như NATO mong muốn.

Một vấn đề khác liên quan đến Nga là đối phó với học thuyết quân sự mới của Moscow, trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ngay giai đoạn đầu xung đột, để chống lại nỗ lực tái chiếm lãnh thổ của đối phương; tiếp sau đó là giai đoạn mà các nhà hoạch định Nga gọi là "giảm căng thẳng nhanh chóng".

Một số thành viên tin rằng Nga hiện đã có vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad. Trước sự lo lắng của dư luận, các quan chức NATO đã lên tiếng trấn an. "Dù NATO sử dụng rất nhiều biện pháp phi hạt nhân, nhưng chừng nào vũ khí hạt nhân vẫn còn tồn tại thì chúng tôi vẫn là một liên minh hạt nhân", Tổng thư ký Stoltenberg nói.

hoi nghi thuong dinh NATO anh 2
Binh sĩ Gruzia trong một cuộc tập trận chung của NATO với binh sĩ Mỹ và Anh hồi tháng 5. Ảnh: NYT

Thách thức chống khủng bố

NATO cũng có thể sẽ tuyên bố những biện pháp để giải quyết thách thức an ninh từ phía Nam, bao gồm nguy cơ tấn công khủng bố từ những kẻ đã được Nhà nước Hồi giáo (IS) đào tạo và trà trộn vào dòng người nhập cư ồ ạt.

Tuy chưa thể tiến hành những biện pháp mạnh và quyết đoán, NATO có thể đẩy mạnh việc sử dụng hệ thống giám sát trên không và cảnh báo sớm để hỗ trợ chiến dịch không kích IS của Mỹ; tăng cường huấn luyện lực lượng an ninh Iraq; đề nghị huấn luyện cho an ninh Libya; hỗ trợ EU trong vấn đề nhập cư từ Địa Trung Hải như cách đang thực hiện ở biển Aegean.

Tuy nhiên, NATO sẽ chưa thể trở thành nhân tố dẫn đầu trong chiến dịch chống khủng bố IS, ít nhất là vào thời điểm này. Việc cấp bách cần thực hiện là chia sẻ thông tin tình báo, nhưng các chính phủ châu Âu lại tỏ ra miễn cưỡng trong việc này, đặc biệt ở các kênh quân sự.

Hơn nữa, về lý thuyết, NATO có thể nhận vai trò chỉ huy chiến dịch chống IS ở Syria tương tự như trong cuộc chiến chống phiến quân ở Afghanistan cách đây một thập kỷ nhưng hiện không quốc gia nào tỏ ra mặn mà.

Khủng bố đã xâm nhập và gây ra những vụ tấn công kinh hoàng ở các nước thành viên NATO, nhưng chưa nước nào, kể cả Pháp, Bỉ, hay Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố sử dụng quyền phòng vệ tập thể trong Điều 5 của Hiến chương NATO.

Hậu quả của Brexit

Việc người Anh bỏ phiếu lựa chọn việc rời khỏi EU phơi bày một tình tiết không lường trước về tầm quan trọng trong mối quan hệ NATO - EU. Mối quan hệ giữa 2 khối này ít mang tính cùng hợp tác hơn so với các thành viên đề nghị. Khi Anh rời EU, những hợp tác này sẽ trở nên quan trọng chỉ khi London vẫn cam kết góp phần duy trì an ninh và thịnh vượng của châu Âu.

Financial Times cho rằng việc tăng cường hợp tác giữa NATO và EU không phải là vấn đề có thể giải quyết đơn giản. Từ lâu, nhiều nước EU và cả ban lãnh đạo EU đã mong muốn mối quan hệ quốc phòng vững mạnh giữa các thành viên, ngay cả khi cần phải xây dựng một đội quân châu Âu.

Anh là một trong những nước quyết liệt phản đối ý định này. Tuy nhiên, việc Anh rời EU đã làm giảm đáng kể các quan điểm của nước này.

Thách thức với NATO và EU là tận dụng những cơ hội để tăng cường các mối quan hệ quân sự ở châu Âu, qua đó củng cố, hơn là làm suy yếu, năng lực phòng thủ chung của châu Âu ở bên trong và ngoài NATO. Một đội quân châu Âu sẽ là cú hích đối với năng lực phòng vệ tổng thể của NATO.

Hai yếu tố này có thể bổ sung cho nhau, như qua những chiến dịch chống khủng bố ở biển Somalia, hoạt động gìn giữ hòa bình ở Kosovo và nỗ lực chống buôn người ở biển Aegea.

Theo báo New York Times, trong lần dự họp thượng đỉnh NATO cuối cùng, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ nhấn mạnh những cách thức mà NATO có thể hợp tác quân sự với EU. Dù là những hợp tác khiêm tốn nhưng mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng, để xóa tan những nghi vấn rạn nứt sau sự kiện Brexit. Đó có thể là các hợp tác như tập trận quân sự chung, hợp tác trong an ninh mạng, và tuần tra chung ở biển Địa Trung Hải.

Tương lai quân đội Liên minh châu Âu khi Anh rời EU

Nước Anh đóng góp 75 tàu chiến các loại, 296 xe tăng, 441 máy bay trong quân đội Liên minh châu Âu. Việc nước này rời EU sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực của quân đội EU.


Minh Anh

Bạn có thể quan tâm