Nga đã cho ra mắt tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân hôm 25/5, một phần trong chương trình đầy tham vọng nhằm tân trang và mở rộng đội tàu để khai thác tiềm năng thương mại của Bắc Cực.
Con tàu mang tên Ural và được hạ thủy tại xưởng đóng tàu ở thành phố St. Petersburg của Nga. Con tàu phá băng do Nga chế tạo này khi hoàn thành sẽ là một trong 3 tàu phá băng lớn và mạnh nhất trên thế giới.
Lễ ra mắt tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân Ural tại nhà máy đóng tàu Baltic ở St. Petersburg, Nga. Ảnh: Reuters. |
Theo Guardian, Nga cũng đang xây dựng cơ sở hạ tầng mới và đại tu các cảng của mình trong điều kiện khí hậu ấm hơn.
Nga đã sẵn sàng cho việc lưu thông tuyến đường biển phía bắc (NSR) mà nước này dự tính có thể khai thác quanh năm. Toàn bộ tuyến đường này nằm ở vùng biển Bắc Cực và thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nga.
Tàu Ural dự kiến sẽ được bàn giao cho cơ quan năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước Nga Rosatom vào năm 2022 sau khi hai tàu phá băng khác cùng đợt - Arktika (Bắc Cực) và Sibir (Siberia) - đi vào hoạt động.
"Tàu Ural cùng với các chị em của mình là trọng tâm trong dự án chiến lược của chúng tôi trong việc mở rộng NSR cho hoạt động quanh năm", ông Alex Alexey Likhachev, Giám đốc Điều hành Rosatom, cho biết.
Tuyến đường biển phía bắc (đường xanh lá) là tuyến đường biển ngắn nhất giữa phần châu Âu của Nga và vùng Viễn Đông. Nó có chiều dài khoảng 4.023 km, thời gian di chuyển trung bình qua đây vào năm 2015 là 10,6 ngày đêm. Ảnh: Arktika - Antarktida. |
Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 4 khẳng định Nga đang đẩy mạnh xây dựng tàu phá băng với mục đích thúc đẩy đáng kể lưu lượng vận chuyển hàng hóa dọc theo bờ biển Bắc Cực.
Động thái này cho thấy nỗ lực đẩy mạnh hoạt động ở vùng cao phía bắc của Moscow trong cuộc tranh giành quyền thống trị với các đối thủ truyền thống như Canada, Mỹ và Na Uy, cũng như "người mới" Trung Quốc.
Đến năm 2035, Tổng thống Putin cho biết hạm đội Bắc Cực của Nga sẽ vận hành ít nhất 13 tàu phá băng hạng nặng, 9 trong số đó sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Bắc Cực có trữ lượng khí gas và dầu khí tương đương 412 tỷ thùng dầu, chiếm khoảng 22% lượng dầu và khí đốt chưa được khám phá trên thế giới, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.
Moscow hy vọng tuyến giao thông trải dài từ Murmansk đến Eo biển Bering gần Alaska có thể khai thông vì nó giúp giảm đáng kể thời gian vận chuyển đường biển từ châu Á đến châu Âu.
Tàu Ural được thiết kế cho phi hành đoàn 75 người và có thể phá lớp băng dày tới 3m.