"Chúng tôi xem ông Trump là đối tác thương lượng", trợ lý chính sách đối ngoại Điện Kremlin Yuri Ushakov trả lời báo chí hôm 13/7, trước thềm cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/7 tại Helsinki (thủ đô Phần Lan).
Ông Ushakov cho biết mối quan hệ song phương hiện ở tình trạng "rất xấu" và hai bên cần bắt đầu cải thiện điều này.
"Mục đích của cuộc gặp thượng đỉnh là để khắc phục tình trạng tiêu cực giữa hai bên, để đưa ra những biện pháp cứng rắn nhằm cải thiện quan hệ và thiết lập sự tin tưởng", ông Ushakov cho biết.
Cuộc gặp gần nhất giữa hai lãnh đạo là vào tháng 11/2017, tại hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức ở Việt Nam. Ảnh: Getty. |
"Chúng tôi muốn cuộc đàm phán này có thể góp phần tạo dựng bầu không khí mà Nga và Mỹ có thể tiếp tục liên lạc, bao gồm chuyến thăm của lãnh đạo hai bên đến Washington hoặc Moscow", trợ lý chính sách đối ngoại Điện Kremlin nói thêm.
Ông Ushakov tiết lộ Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ sẽ gặp riêng, sau đó dùng bữa trưa làm việc với phái đoàn hai bên. Cuộc hội nghị sẽ bắt đầu từ 10h (giờ Phần Lan) và không giới hạn thời gian.
Điện Kremlin cho biết hai bên chưa lên kế hoạch ký tuyên bố chung, nhưng sẽ tổ chức họp báo sau hội nghị thượng đỉnh.
Một trong những vấn đề chính sẽ được đem ra thảo luận tại cuộc gặp gỡ đó là nội chiến Syria và việc Iran hiện diện quân sự tại đây.
"Chúng tôi sẵn sàng trò chuyện thẳng thắn về mọi vấn đề liên quan đến mối quan hệ song phương và cả những chuyện được cộng đồng quốc tế quan tâm", ông Ushakov nói.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đồng thời sẽ có cuộc gặp lần đầu tiên tại Helsinki. Dự kiến, hai bên sẽ đàm phán về việc Nga trục xuất nhiều nhà ngoại giao Mỹ sau khi Washington cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo Nga - Mỹ diễn ra trong bối cảnh Moscow và phương Tây có nhiều bất đồng. Anh cáo buộc Nga chủ mưu vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái. Sau đó, hơn 20 quốc gia, bao gồm các đồng minh lâu đời như Mỹ, đã ủng hộ Anh bằng cách cùng nhau trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga.
Hôm qua, Bộ Tư pháp Mỹ cũng thông báo về quyết định truy tố đối với 12 công dân Nga. Họ bị buộc tội đã tham gia vào các "nỗ lực liên tục" nhằm tấn công hộp thư cũng như mạng lưới máy tính của các đảng viên đảng Dân chủ (Mỹ).