Các quan chức Mỹ từng cho rằng quân đội Nga tới biên giới Ukraine vào tháng 12/2021 và đầu tháng 1, tạo ra lực lượng lên tới 175.000 binh sĩ.
Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán của Mỹ, việc điều động binh sĩ của Nga đã chậm lại trong những tuần gần đây.
Dù vậy, các quan chức Washington cho rằng vẫn còn 100.000 binh sĩ ở biên giới và Moscow đang bố trí thêm máy bay tấn công tại khu vực này, theo New York Times.
Máy bay trực thăng tấn công, máy bay vận tải và máy bay chiến đấu sát mặt đất, sẽ tạo ra lợi thế quan trọng cho Nga, nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin đi tới quyết định mà cả Ukraine và phương Tây đều lo ngại.
Cơ hội bị giới hạn
Theo các quan chức Mỹ, cơ hội tiến hành một cuộc tấn công của Nga đang bị hạn chế.
Thông thường mùa đông khắc nghiệt ở biên giới Ukraine khiến mặt đất đóng băng, tạo điều kiện cho các phương tiện và thiết bị hạng nặng di chuyển dễ dàng. Do đó, Nga cần triển khai các thiết bị này trước khi băng tan tạo ra một vũng lầy vào mùa xuân, bắt đầu từ tháng 3.
Hình ảnh quân đội Nga ở gần biên giới Ukraine vào tháng 12/2021. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, mùa đông năm nay tương đối ôn hòa, làm chậm quá trình đóng băng mặt đất và không tạo điều kiện cho việc triển khai lực lượng.
Đợt băng giá khắc nghiệt thường đến với Ukraine vào tháng 1 đã không xảy ra ở nhiều khu vực trong năm nay. Do đó, chừng nào mặt đất vẫn còn lầy lội, bất kỳ ý định tấn công trên bộ nào cũng sẽ buộc phải hoãn lại cho tới ít nhất là tháng 2.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi các nhà khí tượng học xem xét kỹ hơn tình hình thời tiết ở Ukraine trong những tuần tới, một quan chức Mỹ cho biết.
Mỹ cũng thường xuyên điều khiển máy bay trinh sát RC-135 Rivet Joint qua Ukraine kể từ ngày 27/12/2021, để theo dõi liên lạc giữa các chỉ huy mặt đất của Nga.
Lực lượng Không quân Mỹ đang triển khai các máy bay giám sát mặt đất E-8 JSTARS để theo dõi quá trình tập hợp của quân đội Nga và các hoạt động di chuyển của lực lượng này.
Mỹ đặc biệt quan tâm đến các dấu hiệu cho thấy Nga triển khai vũ khí hạt nhân tới biên giới - động thái mà các quan chức Nga luôn coi là một lựa chọn.
Khó đạt được thỏa thuận
Ngày 10/1, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến hội đàm với người đồng cấp Nga, Sergei A. Ryabkov và các quan chức khác của Moscow tại Geneva, Thụy Sĩ.
Đây là một nỗ lực ngoại giao quyết liệt, nhằm đưa ra các phương án thay thế hành động quân sự của ông Putin.
Tuy nhiên, hôm 7/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken nói với các phóng viên rằng “trên thực tế sẽ rất khó có sự tiến triển, nếu không muốn nói là không thể”.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tham dự cuộc đàm phán an ninh ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 10/1. Ảnh: Reuters. |
Sau 8 giờ gặp gỡ quan chức Nga, bà Sherman nói với các phóng viên rằng cuộc đàm phán chỉ đơn thuần là “một cuộc thảo luận, hiểu rõ hơn về nhau và các ưu tiên của mỗi bên”, không thể giúp giảm leo thang căng thẳng ở biên giới Ukraine.
Ông Putin đã đưa ra nhiều yêu cầu, bao gồm cả việc NATO cam kết không bao giờ thừa nhận Ukraine và Gruzia là thành viên - điều kiện mà các quan chức Mỹ và NATO không chấp nhận.
Thay vào đó, Mỹ đang đưa ra lời đề nghị khiêm tốn hơn, chẳng hạn đảm bảo rằng sẽ không có tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Ukraine - điều mà Washington chưa bao giờ nghiêm túc xem xét.
Chính quyền Biden đã cam kết với các đồng minh sẽ không đưa ra bất kỳ đề nghị nào đối với Nga mà không có sự ủng hộ từ họ. Theo đó, Mỹ không chấp thuận bất kỳ hình thức rút quân đơn phương nào khỏi Đông Âu hay từ chối để Ukraine hội nhập sâu hơn nữa với phần còn lại của châu Âu.
Ông Putin đã tập trung lực lượng quân đội dọc theo biên giới của Nga với miền Đông Ukraine. Vào đầu tháng 12/2021, các cơ quan tình báo Mỹ dự đoán rằng Nga đang có kế hoạch huy động tới 175.000 binh sĩ cho một cuộc tấn công vào Ukraine.
Vài tuần sau đó, ông Putin rút khoảng 10.000 quân ở gần Ukraine. Nhưng các quan chức Mỹ cho rằng những binh sĩ này không thuộc lực lượng mà ông Putin có thể sử dụng cho cuộc tấn công.
Hiện tại, Nga có khoảng 60 tiểu đoàn tác chiến trên bộ, tương đương với 85.000 đến 100.000 binh sĩ ở khu vực này, các quan chức Mỹ cho biết. Những binh sĩ đó đã tiến hành nhiều cuộc tập trận và diễn tập, chứng tỏ rằng lực lượng Nga đang ở mức độ sẵn sàng cao nhất.
Ngoài việc bổ sung các thiết bị hàng không, Nga cũng điều động thêm các đơn vị chuyên về hậu cần.
Động thái của Mỹ và đồng minh
Hơn 150 cố vấn quân sự của Mỹ đang ở Ukraine - những người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở bãi tập gần Lviv, phía tây Ukraine, nơi cách xa tiền tuyến.
Các cố vấn quân sự từ khoảng 10 quốc gia đồng minh cũng đang ở Ukraine, quan chức Mỹ cho biết. Một số quốc gia thành viên của NATO, bao gồm Anh, Canada, Lithuania và Ba Lan thường xuyên cử lực lượng huấn luyện đến nước này.
Nhiều cố vấn quân sự của Mỹ và đồng minh đang ở Ukraine. Ảnh: AFP. |
Trong trường hợp Nga tiến hành một cuộc tấn công toàn diện, Mỹ dự định nhanh chóng đưa các cố vấn quân sự ra khỏi Ukraine. Tuy nhiên, một số người Mỹ có khả năng sẽ ở lại để tư vấn cho các quan chức Ukraine ở thủ đô Kyiv hoặc hỗ trợ tiền tuyến.
Các quan chức Lầu Năm Góc đã cảnh báo những người đồng cấp Nga rằng họ cần giảm leo thang tình hình, vì một cuộc tấn công sẽ không mang lại kết thúc tốt đẹp cho Moscow.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ và nội bộ liên minh vẫn chưa có sự đồng thuận về cách thức hoặc thời điểm hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở Ukraine, nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công toàn diện.
Chính quyền Biden đang tranh luận gay gắt về những lựa chọn có thể đưa ra tùy thuộc vào từng kịch bản.