Các quan chức Nga cho biết họ đã đạt được các thỏa thuận sơ bộ để chuyển giao công nghệ vaccine cho các quốc gia như Brazil, Mexico, Saudi Arabia và Ấn Độ.
Ngoài ra, Moscow cho biết họ đang trong các giai đoạn đàm phán với khoảng 10 quốc gia khác muốn mua vaccine. Tổng cộng, 1,2 tỷ liều vaccine Sputnik V là con số mà các nước có yêu cầu hoặc quan tâm mua từ Nga. Vaccine sẽ được sản xuất ở nước ngoài và phân phối trên toàn thế giới sớm nhất là vào tháng 11.
Vaccine Sputnik V - tên vệ tinh mà Liên Xô phóng trước Mỹ trong cuộc chạy đua không gian thời Chiến tranh Lạnh - đã được chính quyền Nga phê duyệt vào đầu tháng 8, bất chấp sự hoài nghi từ phương Tây về tốc độ và quy mô thử nghiệm.
Các nhà nghiên cứu Nga chỉ hoàn thành các thử nghiệm quy mô nhỏ trên 76 tình nguyện viên trước khi đăng ký. Dữ liệu từ các thử nghiệm ban đầu này cho thấy mũi tiêm an toàn với người dùng và tạo ra phản ứng miễn dịch, nhưng các chuyên gia cho rằng cần tiến hành các thử nghiệm quy mô lớn để chắc chắn về hiệu quả của vaccine. Nga bắt đầu thử nghiệm trên 40.000 tình nguyện viên vào cuối tháng 8.
Nước này dự kiến tiêm chủng đại trà cho người dân vào cuối năm nay. Trong khi đó, Trung Quốc đã tiêm thử nghiệm vaccine của nước này trên hàng trăm nghìn tình nguyện viên.
Các chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc vội vàng sử dụng vaccine chưa hoàn thành thử nghiệm, vì việc tiêm chủng đại trà vaccine không hiệu quả có thể dẫn đến sự lây lan mới của Covid-19. Các quan chức Mỹ cho biết nước này sẽ không sử dụng vaccine của Nga hoặc Trung Quốc vì những nghi ngờ về quy trình thử nghiệm.
“Công cụ quyền lực mềm”
Chiến dịch của Moscow về cấp quyền tiếp cận vaccine ở nước ngoài nêu bật mục tiêu của Tổng thống Vladimir Putin là đưa Nga trở thành nhân vật chính trong cuộc chạy đua vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu.
Các nhà phân tích cho rằng Moscow cuối cùng có thể sử dụng mũi tiêm này như một “công cụ quyền lực mềm” để lôi kéo các quốc gia vào vùng ảnh hưởng của mình, theo Wall Street Journal.
“Vaccine có thể giúp Nga thu phục được trái tim và khối óc của một số nước không phải phương Tây và thúc đẩy đòn bẩy địa chính trị của nước này”, Vladimir Frolov, cựu quan chức ngoại giao cấp cao Nga, nhà phân tích chính trị tại Moscow, cho biết.
Cuối tháng 8, Nga bắt đầu thử nghiệm vaccine Covid-19 trên 40.000 tình nguyện viên. Ảnh: Reuters. |
Nga đặt mục tiêu sản xuất 30 triệu liều Sputnik V vào cuối năm nay để cung cấp cho người dân của mình. Nước này bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 với hơn một triệu ca nhiễm, đứng thứ tư thế giới.
Theo ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), quỹ tài chính quốc gia tài trợ cho nghiên cứu vaccine Sputnik V, Nga đã đạt được các thỏa thuận sơ bộ để bán vaccine cho hơn 10 quốc gia. Để đáp ứng nhu cầu này, Nga đang chuyển giao công nghệ cho các trung tâm sản xuất ở Ấn Độ, Brazil và Hàn Quốc, từ đó vaccine sẽ được phân phối.
Theo thỏa thuận sơ bộ, Ấn Độ sẽ nhận được 100 triệu liều, trong khi bang Bahia của Brazil sẽ nhận được 50 triệu liều, RDIF cho biết.
Ngoài nhóm quốc gia này, Nga cũng đang trong giai đoạn đàm phán khác nhau với khoảng 20 nước muốn tiếp cận vaccine. Moscow không tiết lộ chi tiết nội dung của các cuộc đàm phán. Song vào tháng trước, Phó thủ tướng Tatiana Golikova cho biết nhiều quốc gia “quan tâm đến các hình thức hợp tác khác nhau, như phối hợp phát triển vaccine, thử nghiệm lâm sàng, thu mua, sản xuất trong nước trên lãnh thổ của họ và viện trợ nhân đạo”.
Chiếm lĩnh thị trường Mỹ Latin, Trung Đông và châu Á
Nga đã công bố các thỏa thuận về thử nghiệm lâm sàng Sputnik V ở các nước đối tác Trung Đông như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập và nước láng giềng Belarus - đồng minh chiến lược thân thiết - cùng các quốc gia khác.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết vaccine Nga nằm trong số những loại vaccine mà nước này quan tâm và Mexico muốn tham gia thử nghiệm quy mô lớn vaccine này trên 500-1.000 tình nguyện viên. Bước phê duyệt cuối cùng thuộc về các cơ quan y tế.
Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Vương quốc Anh đã đồng ý mua ít nhất 3,7 tỷ liều vaccine Covid-19 từ các nhà sản xuất thuốc phương Tây, chiếm phần lớn năng lực sản xuất vaccine toàn cầu khiến các quốc gia đang phát triển có nguy cơ không thể mua đủ lượng vaccine cần thiết.
Các nước đang phát triển cũng có năng lực sản xuất vaccine nhất định nhưng nhìn chung sẽ cần hợp tác với các nước giàu hơn để sản xuất vaccine. Do đó, các quan chức Nga nhận định nhu cầu tiếp cận vaccine Nga từ các nước đang phát triển là rất lớn.
Viện Tecpar của Brazil sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 Nga vào đầu năm 2021. Ảnh: Reuters. |
“Chúng tôi sẽ tập trung vào việc cứu người dân ở Mỹ Latin, Trung Đông và châu Á, nơi mà hầu hết yêu cầu (mua vaccine) được gửi đến, bởi những nước này không nghĩ đến chính trị để kìm hãm và hạn chế Nga, mà họ muốn bảo vệ công dân của mình”, Giám đốc RDIF, ông Dmitriev, nói. “Có những nước tha thiết đề nghị có vaccine (Nga) vì họ đã nghiên cứu khoa học và hiểu rằng nó hiệu quả”.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng đất nước của ông, nơi đã ghi nhận hơn 280.000 ca nhiễm Covid-19, sẽ ưu tiên mua vaccine của Nga và Trung Quốc, viện dẫn các nhà sản xuất vaccine phương Tây chủ yếu tập trung vào lợi nhuận.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã đề xuất tiêm chủng vaccine Nga cho các ứng cử viên trong cuộc bầu cử sắp tới để họ có thể vận động tranh cử một cách an toàn.
Ông Dmitriev nói rằng quỹ chỉ tìm cách thu hồi khoản đầu tư vào vaccine và không tìm kiếm lợi nhuận. RDIF đang đầu tư 52,8 triệu USD vào công đoạn sản xuất tại Nga.
Nga chưa chính thức công bố giá vaccine. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước dẫn lời các chuyên gia cho biết giá vaccine xuất khẩu rơi vào khoảng ít nhất 10 USD/2 liều. Trong khi vaccine Mỹ dao động từ 4-37 USD/liều.
Các quan chức Nga khẳng định họ không cạnh tranh để ghi điểm địa chính trị mà chỉ đơn giản là đang làm việc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.