Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nga đang bị Trung Quốc thao túng trong chiến tranh mạng'

Theo Kaspersky, nếu ở phương Tây, Nga bị xem như “kẻ săn mồi” trong các vụ tấn công mạng thì ở phương Đông, quốc gia này trở thành “con mồi” trong mắt nước láng giềng Trung Quốc.

Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng các vụ tấn công mạng nhắm vào Nga đã tăng gấp 3 lần. Từ 72 vụ (năm 2015) đến 194 vụ trong 7 tháng đầu năm 2016. Theo Alexander Gostev - người đứng đầu Kaspersky ở Moscow, hacker Trung Quốc không chỉ nhắm vào các ngành công nghiệp mũi nhọn mà còn ngang nhiên xâm nhập vào hệ thống quốc phòng, hạt nhân và hàng không nước này.

“Các vụ xâm nhập vẫn diễn ra hàng ngày, bất chấp quan hệ ngoại giao hữu nghị giữa Nga và Trung Quốc. Mặc dù chính phủ hai nước đã ký kết các hiệp định về An ninh không gian mạng, hợp tác và không xâm lược, song tất cả dường như không hiệu quả”.

Sau cuộc xung đột ở Ukraine, quan hệ ngoại giao giữa Nga với châu Âu và Mỹ trở nên vô cùng căng thẳng. Gần đây, FBI cáo buộc cơ quan tình báo Nga là tổ chức đứng sau giật dây vụ tấn công Đảng Dân chủ ở Mỹ, khiến hàng ngàn email của bà Hillary Clinton thời điểm giữ chức vụ thư ký liên bang bị rò rỉ ra ngoài.

Tổng thống Vladimir Putin đang tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự với “đối tác chiến lược” Trung Quốc để giữ thế cân bằng. Tháng 6 vừa qua, tại hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh, ông Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký hơn 30 thỏa thuận hợp tác gồm các lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và sản xuất tên lửa.

Trung Quoc thao tung Nga trong chien tranh mang anh 1
Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Vladimir Putin tại hội nghị ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images.

 

Gián điệp công nghệ cao

Gostev cho biết, các vụ tấn công chống lại Nga trở nên mất kiểm soát kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama ký thỏa thuận không tham gia vào các hoạt động gián điệp kinh tế mạng vào tháng 9/2015.

Đồng thời, theo báo cáo của công ty bảo mật FireEye, cũng vào thời điểm này, mũi tấn công của hacker Trung Quốc đang chuyển hướng từ Mỹ sang Nga.

Trung Quoc thao tung Nga trong chien tranh mang anh 2
Tin tặc Trung Quốc đồng loạt quay sang tấn công Nga. Ảnh: Reuters.

 

Oleg Demidov - chuyên gia an ninh mạng tại Trung tâm cố vấn an ninh toàn cầu (PIR) ở Moscow cho rằng chính quyền Bắc Kinh không mấy mặn mà tuân thủ các hiệp định đối tác giữa hai nước. Điều này đặc biệt đúng khi mục đích của các thỏa thuận cuối cùng vẫn là “lợi ích chiến lược và quân sự” quốc gia.

Khi được hỏi về vấn đề này, cơ quan quản lý công nghệ cao của Trung Quốc không những từ chối trả lời mà còn đưa ra cáo buộc vô căn cứ nhằm vào Mỹ.

Mối đe dọa an ninh tiềm ẩn

Phần mềm độc hại mà Trung Quốc dùng để tấn công Nga gồm “họ hàng” 50 loại virus trojan, gây thiệt hại cho 35 công ty và các tổ chức trong nước. Trong số đó, có 7 tổ chức quân sự chuyên về tên lửa, radar và công nghệ hải quân, 5 cơ quan bộ của chính phủ, 4 doanh nghiệp hàng không và 2 công ty thuộc ngành công nghiệp hạt nhân.

Trung Quoc thao tung Nga trong chien tranh mang anh 3
Các cuộc tấn công từ Trung Quốc nhằm vào Nga trở nên mất kiểm soát. Ảnh: infoworld.

 

Theo lời Gostev, mảng phòng không của quân đội Nga đang bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, vì các chính sách bảo mật thông tin khách hàng của Kaspersky nên công ty không thể tiết lộ danh tính các tổ chức cụ thể.

Bộ Quốc phòng và Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đang nỗ lực chống lại NetTraveler - trojan xuất xứ từ Trung Quốc, được dùng để do thám các nhà máy sản xuất vũ khí, đe dọa nền an ninh quốc gia.

Minh Minh

Bạn có thể quan tâm