"Hãng truyền thông nhận trợ giúp tài chính từ nước ngoài có thể được coi là tổ chức tình báo nước ngoài, việc phân loại sẽ do Bộ Tư pháp tiến hành", Sputnik cho biết. Cả hai viện trong quốc hội Nga đều đã thông qua đạo luật này.
Quan chức Nga cho biết đây là động thái nhằm đáp trả Mỹ sau khi nước này yêu cầu hãng tin RT và truyền hình của Nga phải đăng ký cơ sở ở Mỹ dưới dạng tổ chức tình báo nước ngoài.
Tổng thống Putin quyết định cho phép coi các hãng tin nước ngoài là tổ chức tình báo. Ảnh: Getty. |
Trước đó, hoạt động của hãng tin RT và Sputnik tại Mỹ bị kiểm soát chặt chẽ trong nhiều năm qua. Trong một báo cáo tình báo hồi tháng 1, RT bị cáo buộc đã giúp Nga gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Báo cáo trên cũng khẳng định Sputnik thuộc kiểm soát của chính phủ Nga và chuyên đưa ra các nội dung với mục đích ủng hộ Điện Kremlin.
Hồi tháng 10, RT đã bỏ qua thời hạn nộp đơn đăng ký hoạt động như một tổ chức tình báo tại Mỹ nhằm chống lại các yêu cầu từ Bộ Tư pháp nước này. Tuy nhiên, công ty chủ quản của hãng tin này đã phải nhượng bộ và nộp đơn vào giữa tháng 11.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từng đưa ra cảnh báo rằng Moscow sẽ trả đũa nếu Mỹ có hành động chống lại các hãng truyền thông RT và Sputnik.
"Cuộc chiến chẳng hề có quy tắc, luật pháp bị bẻ cong và biến thành công cụ để phá hủy một công ty truyền hình, mọi hành động chống lại các hãng truyền thông Nga đều nhận được đáp trả thích đáng", bà Zakharova cảnh báo.
Căng thẳng vẫn đang bao trùm quan hệ Washington - Moscow, bắt nguồn từ nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, việc Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.
Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Putin từng gặp gỡ bên lề các hội nghị quốc tế trong năm 2017 để thảo luận về quan hệ Nga - Mỹ. Tuy nhiên, tình hình chưa có nhiều tiến triển.