Nga chế tạo hàng loạt tên lửa mới đối đầu Mỹ
Trong khi Mỹ nỗ lực xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, Nga lại chuẩn bị thay mới và nâng cấp hoàn toàn kho vũ khí tên lửa hạt nhân chiến lược của mình.
Dường như quân đội Nga cũng như ngành công nghiệp quốc phòng đã quyết định chuẩn bị nghiêm túc để có khả năng đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Công việc đang được tiến hành đồng thời trên hai lớp tên lửa chiến lược khác nhau của quân đội Nga.
Theo người đứng đầu Các lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, Sergei Karakaev, một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dùng động cơ đẩy nhiên liệu lỏng nặng 100 tấn (ICBM) có sức hủy diệt còn mạnh hơn cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khủng khiếp nhất thế giới R-36M2 Voevoda (NATO và Mỹ gọi là SS-18 Satan) và một ICBM nhiên liệu rắn được lên danh sách để thay thế các tổ hợp tên lửa Yars thế hệ thứ 5 (bao gồm RS-24 và Topol-M), một trong những tên lửa đa đầu đạn nhanh nhất thế giới.
“Vì tiềm lực của ICBM nhiên liệu rắn không đủ để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa vượt trội của Mỹ nên cần một ICBM nhiên liệu lỏng nặng để thay thế. Một ICBM như vậy sẽ cho phép tạo ra loại vũ khí phi hạt nhân chiến lược có độ chính xác gần như tuyệt đối với tầm bắn thực toàn cầu. Việc thay thế tên lửa này là rất thiết trừ phi Mỹ từ bỏ các chương trình của họ”, ông Karakaev nhấn mạnh.
Tổ hợp tên lửa RS-24 Yars của Nga. |
Đây là lần đầu tiên Nga tiết lộ về chương trình chế tạo một tên lửa nhiên liệu rắn mới. Theo Tướng Karakaev, Nga đã trình làng nguyên mẫu của tên lửa loại này một vài lần trong năm 2012 và lần gần đây nhất là vào ngày 24/10/2012.
Trước đây, Nga đã tiến hành hiện đại hóa một cách quy mô gia đình tên lửa Topol trong những năm 1990 và đưa vào sử dụng các loại tên lửa Topol-M (NATO gọi là SS-27) năm 2000 rồi sau đó vài năm là tổ hợp tên lửa Topol-M2 (một biến thể nâng cấp của tên lửa Topol-M). Chưa dừng lại, Nga đang tiến hành chế tạo và triển khai các tổ hợp tên lửa RS-24 Yars mới, một trong những tên lửa đa đầu đạn nhanh nhất thế giới để thay thế cho một loạt các tên lửa nhiên liệu rắn, thế hệ đầu tiên.
Tổ hợp tên lửa Topol-M. |
Tuy nhiên, hiện tại, tên lửa dùng động cơ đẩy nhiên liệu lỏng như UR-100N (Mỹ và NATO dùng tên: SS-19 Stiletto) và Р-36M (Mỹ và NATO dùng tên: SS-18 Satan) vẫn sẽ là xương sống của Các lực lượng tên lửa chiến lược Nga. Tuy nhiên, các tên lửa loại này sẽ lỗi thời và được nghỉ hưu trong vài năm tới.
Việc triển khai các tên lửa mới cho các lực lượng vũ trang Nga đã bị chậm chễ. Theo ước tính của Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nga, Leonid Kalashnikov, quân đội nước này có thể nhận được 100 đến 105 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới vào năm 2015.
Trong khi đó, Mỹ đang có kế hoạch để triển khai 900 hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo trên toàn thế giới vào năm 2015. Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo 1972 vào năm 2001 nên không còn bị giới hạn bởi bất kỳ hạn chế nào về xây dựng số lượng và chất lượng của các hệ thống như vậy. Do đó, theo ông Karakaev, Mỹ còn có thể triển khai phòng thủ tên lửa trong không gian.
Giới lãnh đạo quân sự và chính trị của Nga đã nhiều lần đàm phán với Mỹ về các hệ thống phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đều kết thúc trong bế tắc. Gần đây, việc Mỹ liên tục triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền lẫn trên biển, cùng với sự suy giảm của quan hệ song phương đã buộc giới lãnh đạo Nga phải cân nhắc các hành động cứng rắn hơn.
Trước đó, những năm 1990, Các Lực lượng tên lửa chiến lược đã lên kế hoạch chuyển sang sử dụng hoàn toàn các tổ hợp tên lửa nhiên liệu lỏng nhẹ. Tuy nhiên, các tên lửa loại này không có khả năng thay thế chính thức cho các “gã khổng lồ” dùng động cơ đẩy nhiên liệu lỏng.
“Tổ hợp tên lửa Topol-M và Bulava (tên lửa nhiên liệu lỏng trên biển mới - một biến thể nâng cấp dựa trên Topol-M) không có khả năng trở thành sự thay thế giá trị và xứng đáng cho các tên lửa đã hết thời”, Yuri Zaitsev, một chuyên gia tại Học viện Khoa học Kỹ thuật Nga nhấn mạnh.
Trong khi đó, Nga cũng không có kế hoạch từ bỏ các tên lửa nhiên liệu rắn bởi chúng phù hợp nhất cho các tổ hợp di động. Điều này có nghĩa Nga sẽ tiếp tục phát triển các tên lửa thay thế cho cả hai loại tên lửa mà họ hiện vẫn đang sử dụng.
Phương Đăng
Theo Infonet