Kho vũ khí đặc biệt của đặc công Việt Nam (kỳ 2)
AK-47S hay AKS là một trong những vũ khí được sử dụng lâu đời nhất trong biên chế lực lượng đặc công Việt Nam.
Ngay từ khi Liên Xô bắt đầu viện trợ vũ khí cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ thì AK-47S hay còn gọi là AKS cũng được trang bị cho các đơn vị đặc công Việt Nam. AKS là một biến thể rút gọn của AK-47.
Về tính năng, nguyên tắc hoạt động hoàn toàn giống với AK-47, điểm khác là AKS được trang bị báng gấp bằng thép để giảm chiều dài của súng, tạo thuận lợi trong các hoạt động chiến đấu ở phạm vi hẹp, cũng như thuận lợi khi hành quân.
AKS là loại vũ khí cá nhân chủ lực cho lực lượng đặc công Việt Nam từ ngày thành lập cho đến nay. Điểm mạnh của AKS là nó hội tụ đủ những ưu điểm về sức mạnh hỏa lực, độ bền, hiệu suất sử dụng như AK-47. Đặc biệt, trong các trận đánh ở trên rừng, trên các khu vực đồng ruộng thì AKS phát huy hiệu quả cao hơn do có lợi thế về tầm bắn.
Một bài tập huấn luyện bí mật vượt chướng ngại vật tiếp cận mục tiêu của các chiến sĩ đặc công Việt Nam. Ảnh: Dân Trí. |
Những năm gần đây, lực lượng đặc công Việt Nam được bổ sung trang bị loại AKMS thay thế dần cho AKS đã lạc hậu. AKMS là biến thể hiện đại hóa của AK-47S, về cơ bản các tính năng của nó tương đương với AK-47. AKMS được cải tiến hiệu suất, độ chụm của đạn, cải tiến vật liệu chế tạo để tăng độ bền của súng.
AKMS có chiều dài 920 mm, 655 mm với báng gập, tốc độ bắn khoảng 600 viên/phút, phạm vi hiệu quả khoảng 300-400 mét. Mỗi lần xuất trận, trang bị tiêu chuẩn cho chiến sĩ đặc công gồm có: Một khẩu AKS hoặc AKMS báng gập, 1-2 băng đạn, một cây dao găm, 2 quả lựu đạn.
Trong một số nhiệm vụ đánh các đơn vị tăng thiết giáp của đối phương có thể được trang bị thêm các vũ khí hạng trung khác như: Súng chống tăng B-40, B-41, cối 82 mm súng phóng lựu M-79 thu được của Mỹ sau chiến tranh và được Việt Nam cải tiến nhằm phù hợp với mục đích sử dụng của Việt Nam.
Những chiến sĩ đặc công Việt Nam lặng lẽ tiếp cận mục tiêu, phía sau lưng họ là các dụng cụ đặc biệt để vượt qua hàng rào kẽm gai hay các bãi mìn của đối phương. Ảnh: Dân Trí. |
Một số trường hợp cũng được trang bị thêm các loại súng bắn tỉa chuyên dụng như SDV Dragunov, trang bị phụ trợ khác gồm có bản đồ, la bàn, ống nhòm, dụng cụ cắt kim loại, tháo gỡ mìn. Do yêu cầu đặc biệt của nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt, táo bạo, bất ngờ, đánh các mục tiêu hiểm yếu nằm sâu trong đội hình chiến đấu và hậu phương của địch.
Không vướng víu, dễ ngụy trang là 2 yêu cầu tối quan trọng đối với người lính đặc công. Một sĩ quan đặc công về hưu từng tâm sự: “Phàm đã là cái anh chui rào thì mọi thứ đều phải nhỏ, nhỏ chân nhỏ tay, nhỏ đầu nhỏ ngực, nhỏ hông nhỏ đùi… Có bất cứ cái gì đó hơi cong vênh lên một chút là mệt lắm”.
Một chiến sĩ đặc công đang cẩn thận vô hiệu hóa một quả mìn của đối phương, bên cạnh là khẩu AKMS báng gấp quen thuộc. Ảnh: Dân Trí. |
Ngoài những trang bị vũ khí trên thì với người lính đặc công có một thứ vũ khí khác vô cùng lợi hại đó là tinh thông võ nghệ. Bất kỳ người lính nào được “đặc tuyển” vào đặc công đều được huấn luyện rất kỹ về võ nghệ.
Mặc dù, nhiệm vụ của lính đặc công là đánh bất nhưng cũng không tránh khỏi những tình huống chạm trán với đối phương. Trong trường hợp này võ nghệ là vũ khí hiệu quả nhất để chống trả đối phương. Võ thuật đặc công là nơi hội tụ tinh hoa của các môn võ khác.
Võ đặc công lấy tính hiệu quả làm đầu, không hoa mỹ, cần phải hạ gục đối phương ngay đòn đánh đầu tiên. Bên cạnh đó, do điều kiện ngân sách còn eo hẹp và phương châm tác chiến riêng biệt của quân đội nhân dân Việt Nam nên người lính đặc công cần phải có tính độc lập rất cao, tự thân vận động và hầu như không có được sự yểm trợ hiệu quả từ các đơn vị không vận như các quân đội khác.
(Còn nữa)
quốc việt
Theo Infornet