Trả lời thông tấn xã Ifax ngày 24/1, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin khẳng định Moscow xem những hành động của phe đối lập giành quyền lãnh đạo từ tay Tổng thống Nicolas Maduro tại Venezuela là hành vi bất hợp pháp.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định nước Moscow sẽ cùng Caracas bảo vệ chủ quyền quốc gia bảo vệ nguyên tắc các nước không can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước khác.
Nghị sĩ Franz Klinzevich cảnh báo Moscow có thể chấm dứt hợp tác quốc phòng với Caracas nếu Tổng thống Maduro bị lật đổ. Ông khẳng định Moscow xem ông Maduro mới là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela, theo Reuters.
Trong khi đó, chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Quốc tế của Duma Quốc gia Nga, ông Leonid Slutsky, lại hướng mũi công kích vào chính sách đối ngoại của Mỹ trước biến động chính trị tại Venezuela.
Ông đánh giá việc Mỹ công nhận Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido làm tổng thống lâm thời là động thái “can thiệp trắng trợn vào nội bộ nước khác”, theo Tass.
Tổng thống Nicolas Maduro ngày 23/1 tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Mỹ. Ảnh: Reuters. |
“Mỹ tiếp tục duy trì chính sách gây áp lực từ bên ngoài và can thiệp vào việc nội bộ của những quốc gia có chủ quyền. Giờ đây đến phiên Caracas. Điều này cho thấy mong muốn áp đặt bá quyền Mỹ và loại bỏ những chính quyền không phù hợp”, ông nặng lời chỉ trích việc Mỹ ủng hộ phe đối lập ở Venezuela.
“Tôi không nghĩ chúng ta có thể đưa ra tuyên bố công nhận. Vụ việc, về bản chất, là một cuộc đảo chính”, Vladimir Dzhabrailov, thành viên khác của ủy ban, cho biết.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido, 35 tuổi, đã tự tuyên bố là tổng thống tạm quyền của đất nước Nam Mỹ.
Ông Guaido thông báo quyết định giữa lúc biểu tình nổ ra tại nhiều thành phố trên khắp Venezuela. Người biểu tình bày tỏ bức xúc trước tình trạng kinh tế khủng hoảng và phản đối Tổng thống Nicolas Maduro tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai.
Ngoài Mỹ, nhiều nước khác cũng nhanh chóng công nhận ông Guaido là nhà lãnh đạo tạm quyền của Venezuela, trong đó gồm Argentina, Brazil, Guatemala, Canada, Columbia, Costa Rica, Paraguay, Peru, Chile và Ecuador.
Tổng thống Maduro chỉ trích cuộc biến động chính trị này là âm mưu đảo chính được tổ chức bởi Mỹ. Ông cũng tuyên bố Caracas đã cắt quan hệ ngoại giao với Washington và yêu cầu phái bộ ngoại giao của Mỹ rời khỏi Venezuela trong vòng 72 tiếng.
Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido tự tuyên thệ làm tổng thống lâm thời. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, ông Guaido đã ra thông báo riêng kêu gọi các nước duy trì đại sứ quán tại nước này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau đó tuyên bố sẽ nghe theo chỉ thị của ông Guaido, từ chối rút phái đoàn ngoại giao về nước theo yêu cầu của Tổng thống Maduro.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí cảnh báo mọi phương án đáp trả đang được cân nhắc trong trường hợp Tổng thống Maduro dùng vũ lực đối phó phe đối lập, theo Guardian.
Phó tổng thống Mike Pence sau đó giải thích rằng Washington sẵn sàng “áp dụng tối đa sức ép ngoại giao và kinh tế”. Một số quan chức Mỹ cho biết nước này đang tìm cách chuyển tài sản và lợi nhuận dầu mỏ cho ông Guaido và quốc hội do đảng đối lập kiểm soát.