Phát biểu bên lề triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế MAKS 2019 đang diễn ra tại Nga, Kumar Mishra, Giám đốc điều hành BrahMos Aerospace, liên doanh giữa Nga và Ấn Độ, cho biết họ có thể ký hợp đồng chuyển giao tên lửa cho nước thứ 3 vào cuối năm hoặc đầu năm tới.
“Một số quốc gia đã nộp đơn cho chúng tôi với yêu cầu giao tên lửa BrahMos. Chúng tôi đã thông báo cho Bộ Quốc phòng Nga và Ấn Độ và đang chờ đợi sự cho phép để ký hợp đồng. Chúng tôi hy vọng sẽ ký được hợp đồng vào cuối năm hoặc đầu năm tới”, ông Mishra nói với hãng tin TASS.
Khi được hỏi về quốc gia thứ 3 mà tên lửa BrahMos sẽ được chuyển giao, ông Mishra nói đó là quốc gia thân thiết với Nga và Ấn Độ. Ông Mishra cho biết thêm tên lửa BrahMos có thể mở rộng tầm bắn lên 800 km.
Tên lửa siêu thanh BrahMos đang nhận được sự quan tâm rất lớn của khách hàng nước ngoài. Ảnh: TASS. |
Hiện tại, các phiên bản BrahMos phóng trên đất liền, trên biển và trên không có tầm bắn 290 km. “Chúng tôi đã thử nghiệm thành công tên lửa ở tầm bắn 400 km, về mặt kỹ thuật, tên lửa có thể mở rộng tầm bắn tới 800 km và đây là nhiệm vụ mà chúng tôi phải đối mặt”, ông Mishra nói.
PJ-10 BrahMos là tên lửa hành trình siêu thanh được hợp tác phát triển bởi Hiệp hội Nghiên cứu và chế tạo máy móc Reutov và Tổ chức Nghiên cứu, Nga và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO).
Tên lửa được phát triển dựa trên tên lửa chống hạm P-800 Oniks của Nga. Tên gọi BrahMos được ghép lại từ 2 con sông Brahmaputra của Ấn Độ và Moskva của Nga.
Tên lửa BrahMos được phóng thử lần đầu vào tháng 6/2001. Tên lửa có thể phóng từ bệ phóng di động trên đất liền, trên tàu chiến, tàu ngầm và phóng từ máy bay. BrahMos được sản xuất bởi liên doanh BrahMos Aerospace có trụ sở đặt tại New Delhi, Ấn Độ.
Tên lửa BrahMos đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều khách hàng nước ngoài, bao gồm Việt Nam.