Theo Military Today, BrahMos thuộc loại tên lửa hành trình siêu âm hợp tác phát triển giữa Phòng thiết kế NPO Mashinostroyeniya, Nga, và Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO). Sản phẩm được sản xuất bởi Liên doanh BrahMos Aerospace đặt tại Ấn Độ.
Tên gọi BrahMos được kết hợp giữa tên hai con sông Brahmaputra ở Ấn Độ và Moskva ở Nga. BrahMos được bắn thử lần đầu vào tháng 6/2001. Tên lửa được đưa vào hoạt động trong quân đội Ấn Độ từ năm 2006.
Sát thủ nhanh nhất thế giới
BrahMos được phát triển dựa trên tên lửa hành trình chống hạm siêu âm P-800 Oniks của Hải quân Nga. Moscow cung cấp 65% thành phần của tên lửa gồm động cơ, radar. Thiết kế khí động học của P-800 và BrahMos khá giống nhau.
Tên lửa được phóng lên không trung bằng động cơ tăng cường nhiên liệu rắn, sau đó động cơ ramjet sẽ kích hoạt để hành trình đến mục tiêu. Động cơ này cho phép tên lửa đạt tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh (khoảng 3.600 km/h).
Phiên bản dùng trên đất liền của tên lửa BrahMos. Ảnh: India Armed Force. |
BrahMos được xếp vào loại tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới đang hoạt động. BrahMos được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp quán tính và radar chủ động giai đoạn cuối. Theo nhà sản xuất, tên lửa có thể đánh trúng mục tiêu với sai số chỉ 1,5 m ở cự ly 300 km. Tên lửa mang theo đầu đạn nặng 200 kg.
Ưu điểm của tên lửa là có thể phóng từ bệ phóng di động trên mặt đất, chiến hạm, tàu ngầm và máy bay. Tên lửa có thể chống hạm, tấn công mục tiêu mặt đất với độ chính xác cao. Phiên bản sử dụng trên mặt đất hoạt động với vai trò tên lửa hành trình chiến thuật và phóng thẳng đứng.
Phiên bản sử dụng trên tàu chiến có thể phóng thẳng đứng hoặc phóng nghiêng. Phiên bản phóng từ tàu ngầm sẽ được khởi động thông qua ống phóng ngư lôi bằng một phao đặc biệt. Sau khi rời khỏi mặt nước, động cơ chính sẽ được kích hoạt để bay đến mục tiêu.
BrahMos bay ở độ cao 14 km. Khi đến gần khu vực mục tiêu, tên lửa hạ độ cao xuống còn 3-4 m nên rất khó phát hiện từ xa. Tốc độ siêu nhanh, tầm bay thấp, chính xác cao khiến BrahMos trở thành một trong những sát thủ diệt hạm nguy hiểm nhất thế giới.
Theo tính toán của các chuyên gia quân sự, nếu tên lửa phóng ở cự ly 120 km, phạm vi phát hiện bằng radar trên tàu chiến hoặc mặt đất chỉ khoảng 30 km, thời gian để phản ứng trước khi tên lửa trúng đích chỉ 30 giây.
Đặc biệt, phiên bản dùng trên đất liền được thiết kế để lao vào mục tiêu ở góc tới 70 độ, cho phép tiêu diệt các mục tiêu phía bên kia sườn núi.
Nhà sản xuất đang phát triển phiên bản tên lửa siêu thanh BrahMos II với tốc độ khoảng Mach 7 (8.575 km/h). Phiên bản này có tầm bắn khoảng 600 km. Tên lửa có thể phóng từ tàu chiến, tàu ngầm, bệ phóng trên mặt đất và máy bay.
Quân bài thay đổi cuộc chơi
BrahMos là vũ khí mà Trung Quốc không có loại tương tự. Bắc Kinh có danh sách dài các loại tên lửa chống hạm và tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhưng BrahMos là một sự khác biệt lớn.
Sebastien Roblin, chuyên gia về giải quyết xung đột, Đại học Georgetown, Mỹ, nhận xét BrahMos là quân bài mang tầm chiến lược mới của Ấn Độ trong quan hệ với Trung Quốc. Tầm bắn của BrahMos chỉ khoảng hơn 300 km, không quá sâu vào lãnh thổ Trung Quốc nhưng các căn cứ quân sự của họ dọc biên giới rất khó để chống đỡ với vũ khí này.
BrahMos phóng từ chiến hạm của Hải quân Ấn Độ. Ảnh: Financial Express. |
Giới phân tích nhận định BrahMos là vũ khí có thể “thay đổi cuộc chơi” ở những khu vực mà nó xuất hiện. Do đó, Trung Quốc luôn tìm cách “ngáng đường” việc xuất khẩu tên lửa cho các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng New Delhi có quyền xuất khẩu vũ khí cho nước ngoài phù hợp với lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế.
Jeff M. Smith, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ, cho biết phần lớn vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc là đến Pakistan nhằm kiềm chế Ấn Độ, New Delhi hoàn toàn có thể làm điều tương tự.
“Các nhà hoạch định chính sách ở New Delhi thường có tư tưởng quan ngại việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng tiên tiến với Washington hoặc Hà Nội sẽ dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, gần đây Thủ tướng Narendra Modi và nhóm tư vấn kết luận rằng quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam sẽ giúp tăng cường vị thế của Ấn Độ so với Trung Quốc’, ông Smith nói với Reuters.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar vào tháng 6/2016, hai bên đã nhất trí mở rộng hợp tác quốc phòng, thương mại và các lĩnh vực khác trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, Reuters cho biết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/8 về thông tin Việt Nam vừa nhận một lô tên lửa BrahMos từ Ấn Độ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thu Hằng cho biết quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Ấn Độ đã và đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực an ninh - quốc phòng.
Bên cạnh tên lửa BrahMos, SCMP cho biết Ấn Độ và Việt Nam đang thảo luận việc mua bán hệ thống tên lửa phòng không tầm trung tiên tiến Akash và ngư lôi hạng nặng Varunastra. Ngoài ra, Ấn Độ đã đồng ý giúp Việt Nam đào tạo phi công tiêm kích Su-30 và huấn luyện thủy thủ tàu ngầm.