Đầu tuần này, một sự kiện du lịch đánh dấu “năm du lịch” giữa Trung Quốc và New Zealand, dự kiến được tổ chức tại Wellington đã bị hủy bỏ. Phía Trung Quốc cho biết lý do là việc sắp xếp lịch không thành công, tuy nhiên nguyên nhân thực sự có thể nằm ở quyết định cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G do chính phủ New Zealand ban hành cuối năm 2018.
Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern trong lễ mừng năm mới ngày 2/2 tại Auckland, trước khi Trung Quốc hủy sự kiện “năm du lịch” giữa hai nước. Ảnh: Getty. |
Trên tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, một bài viết cho biết ngành du lịch New Zealand “sẽ bị thiệt hại nặng nề”.
“Mối quan hệ giữa New Zealand và Trung Quốc xấu đi sau khi nước này cấm Huawei phát triển mạng 5G, điều này sẽ khiến New Zealand thiệt hại rất nhiều”, tác giả Li Xuanmin viết trong bài báo.
Ngoài ra, bài báo này còn dẫn lời những du khách Trung Quốc cho biết họ quyết định không đi đến New Zealand “như một cách để trừng phạt nền kinh tế nước này”.
“Họ muốn cướp chúng tôi à? New Zealand đâm sau lưng chúng ta mà lại muốn chúng ta bỏ tiền ra cho họ sao? Đúng là hai mặt”, Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời một du khách họ Li, 30 tuổi, người quyết định hủy chuyến du lịch tới New Zealand với chi phí khoảng 2.200 USD.
Theo những người làm trong ngành du lịch, điều luật mới được New Zealand thông qua cho phép nhân viên hải quan được kiểm tra thiết bị điện tử của du khách khiến cho nhiều du khách Trung Quốc lo ngại. Điều luật này có hiệu lực từ tháng 10/2018.
“Tôi không thể khẳng định điều luật này có liên quan đến vụ Huawei hay không. Tuy nhiên nếu căng thẳng giữa hai nước tăng lên, có khả năng là du khách Trung Quốc sẽ bị nhắm tới nhiều hơn”, một nhân viên tại đại lý du lịch nói trên Thời báo Hoàn Cầu.
Trung Quốc là quốc gia đóng góp khách du lịch lớn thứ 2 tại New Zealand, và con số khách du lịch tăng mạnh trong năm qua. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Du lịch là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng nhất của New Zealand, chiếm tỉ trọng tới 17,4%, theo số liệu chính thức năm 2016. Có tới 7,5% số lượng người lao động New Zealand làm việc trong ngành du lịch.
Trung Quốc là quốc gia du lịch lớn thứ 2 tại New Zealand, chỉ sau Australia. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của New Zealand, với các mặt hàng như gỗ và sản phẩm chế biến từ sữa.
“Ngành du lịch có tác động rất lớn”, ông Yuan Jingdong, giáo sư tại Đại học Sydney và là chuyên gia về quân sự, chính sách Trung Quốc cho biết. Tác động của ngành du lịch có thể làm ảnh hưởng tới nhiều ngành công nghiệp khác.
“Việc hủy bỏ sự kiện xúc tiến du lịch cho thấy sự khó chịu từ phía Bắc Kinh đối với sự lo ngại, e dè về Trung Quốc và các chính sách của Trung Quốc từ phía New Zealand.
Sau khi bị chính quyền New Zealand cấm bán thiết bị 5G, Huawei đã mua quảng cáo trên một tờ báo địa phương để nói về mạng 5G của mình. Ảnh: Twitter. |
Ông Yuan cũng nhận định việc Huawei bị cấm cửa ở New Zealand được người Trung Quốc xem như “cái vỗ vào mặt Trung Quốc”, khiến cho Huawei bị tổn hại về danh tiếng, đồng thời ảnh hưởng tới cả nền kinh tế của Trung Quốc.
“Điều trớ trêu là New Zealand, hay Canada, từng là những nước phương Tây hiếm hoi có thái độ cởi mở và hợp tác với Trung Quốc, và họ cũng mong có sự hợp tác kinh tế cũng như con người để rút ngắn khoảng cách”, ông Yuan cho biết.
Vào cuối tháng 11/2018, New Zealand ra lệnh cấm ngắn hạn với Huawei, không cho phép công ty này bán thiết bị 5G cho các nhà mạng của nước này. Ngay sau đó, nhiều chương trình hợp tác hay ngoại giao bị hủy bỏ. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern có chuyến thăm Trung Quốc vào cuối năm 2018, nhưng phía Trung Quốc đã hủy chuyến thăm nay.
Tuần trước, chuyến bay số hiệu NZ289 của hãng hàng không Air New Zealand khởi hành từ Auckland vào sáng ngày 10/2. Tuy nhiên, sau bốn giờ ba mươi phút trên hành trình hướng tới Thượng Hải, chiếc Boeing 787-9 phải quay đầu về New Zealand.
Trong tuyên bố, hãng hàng không Air New Zealand cho biết chiếc máy bay mới được công ty đưa vào sử dụng và chưa có đủ giấy tờ hợp lệ cho phép máy bay được hạ cánh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều suy đoán cho rằng nguyên nhân vấn đề là hãng hàng không Air New Zealand coi Đài Bắc là "thủ đô" của Đài Loan thay vì là một thành phố thuộc Trung Quốc.
Ông David Capie, nhà nghiên cứu tại đại học Victoria cho rằng căng thẳng trong quan hệ hai nước đang gia tăng. Nói với Nikkei, ông Capie cho rằng sự việc của Huawei là một phần trong nỗ lực hình thành chính sách Thái Bình Dương của New Zealand nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Tôi nghĩ sẽ còn nhiều vấn đề nữa trong thời gian tới. Bắc Kinh cho rằng vấn đề của Huawei mang tính toàn cầu, và tôi nghĩ họ sẽ nhìn nhận lệnh cấm Huawei của New Zealand rộng hơn như là cách đối xử với Trung Quốc nói chung. Họ sẽ không chấp nhận rằng đây chỉ là vấn đề kỹ thuật chứ không mang tính chính trị. Tôi không nghĩ quyết định này có thể thay đổi, nên mọi chuyện sẽ tệ hơn trước khi tình hình được cải thiện”, ông Capie cho biết.