Không phải Wall-E, đây mới là chú robot phi thường nhất của nhân loại
Thứ bảy, 16/2/2019 11:25 (GMT+7)
11:25 16/2/2019
15 năm ròng rã trên sao Hỏa, robot Opportunity đã làm nên kỳ tích, vượt xa những kỳ vọng ban đầu.
Ngày 14/2, NASA chính thức xác nhận họ không thể liên lạc được với robot Opportunity. NASA mất liên lạc với Opportunity 8 tháng trước, sau một cơn bão cát lớn che khuất mặt trời. Mọi nỗ lực liên lạc với Opportunity trong thời gian đó là vô vọng. Ảnh: NASA.
Theo NASA, cơn bão đi qua để lại nhiều lớp cát bám trên tấm pin mặt trời và làm rối tung các bộ phận bên trong của Opportunity. Hành trình của Opportunity đã kết thúc sau 15 năm ở trên sao Hỏa, từ ngày chú robot này hạ cánh lên sao Hỏa, 25/1/2004. Trong hình là hệ thống đổ bộ đã xì hết hơi của Opportunity trên sao Hỏa. Ảnh: NASA.
"Pin của tôi sắp cạn và trời đang tối dần", đó là tin nhắn cuối cùng của Opportunity trước khi NASA hoàn toàn mất liên lạc với robot này vào tháng 6/2018.
Kể từ ngày mất tín hiệu với Opportunity, NASA đã gửi đi hơn 800 tín hiệu với hy vọng những cơn gió của sao Hỏa sẽ thổi lớp bụi trên những tấm pin mặt trời, mang lại năng lượng cho chú robot này. Ảnh: NASA.
Những nỗ lực của NASA là vô vọng khi họ không nhận được một tín hiệu phản hồi nào. Thông điệp cuối cùng mà Phòng thí nghiệm động cơ phản lực của NASA gửi tới Opportunity vào ngày 13/2 là lời bài hát "I'll be seeing you" của Billie Holiday, trong đó có câu hát "anh sẽ nhìn lên mặt trăng, nhưng anh sẽ nhìn thấy em". Ảnh: NASA.
15 năm cũng là “quãng đời” dài nhất của một robot do con người chế tạo để khám phá hành tinh khác, đặc biệt hơn khi Opportunity ban đầu được thiết kế cho một nhiệm vụ kéo dài chỉ 90 ngày. “Anh em sinh đôi” của nó là Spirit cũng bắt đầu nhiệm vụ vào năm 2004 nhưng đã ngừng hoạt động vào 2010. Trong hình là toàn bộ hành trình dài 45 km của Opportunity trên sao Hỏa. Ảnh: Vox.
Opportunity (và Spirit) đã có nhiều phát hiện thú vị trên sao Hỏa, bao gồm sự tồn tại của thạch cao hình thành từ nước giàu khoáng chất, từ đó khẳng định bề mặt sao Hỏa từng có nhiều nước. Nó cũng phát hiện ra quặng hematite, chứng tỏ sao Hỏa trong quá khứ ẩm ướt. Ảnh: NASA.
Rất nhiều bức ảnh được Opportunity gửi về cho chúng ta thấy những đặc điểm địa chất trên sao Hỏa. Nó thậm chí từng phát hiện “nhật thực phiên bản sao Hỏa” khi “mặt trăng” của sao Hỏa có tên Deimos và Phobos cùng đi ngang qua mặt trời. Ảnh: NASA.
Bên trong một hố thiên thạch, Opportunity đã tìm được vô số những quả cầu nhỏ và có màu đen, các nhà khoa học gọi chúng là "quả việt quất", được làm từ hematit, hình thành khi nước axit chảy qua trầm tích. Ảnh: NASA.
Đường đi của Opportunity trên bề mặt cát sao Hỏa. Ảnh: NASA.
Những hạt nhỏ này là bằng chứng cho thấy sao Hỏa từng có nước chảy trên bề mặt. Ảnh: NASA.
Khi NASA nhận ra Opportunity có thể hoạt động dài hơn con số 90 ngày dự kiến, họ chuyển hướng robot sang nghiên cứu các mỏm đá lớn trên Sao Hỏa. Trong hình là một vách đá lớn cao khoảng 6 m, được Opportunity chụp lại ở khoảng cách 50 m. Ảnh: NASA.
Vào năm 2005, Opportunity bị mắc kẹt trong một đụn cát, không thể di chuyển. Các nhà khoa học phải tính toán đường đi cho nó từng cm một, và sau vài tuần Opportunity mới ra khỏi đụn cát này. Ảnh: NASA.
Năm 2007, chú robot này gặp cơn bão bụi đầu tiên, khiến hệ thống bánh lái và cánh tay của Opportunity gặp vấn đề. Đây là ảnh mô phỏng bầu trời trong một cơn bão cát. Ảnh: NASA.
Tại miệng hố Endeavour, Opportunity đã khám phá ra một tảng đá màu nhạt có biệt danh "Esperence" vào tháng 5/2013. Thành phần của nó rất khác những mẫu đá từng được tìm thấy trên sao Hỏa, chứa đất sét và có khả năng lớn đã được hình thành trong nước có độ pH trung tính, minh chứng cho một môi trường có thể có sự sống. Ảnh: NASA.
Với máy ảnh được trang bị trên thân, chú robot cũng có thể chụp những bức ảnh “selfie” như thế này. Ảnh: NASA.
Opportunity và công cụ mài mòn để phân tích hòn đá. Ảnh: NASA.
Trong hình là thung lũng Perseverance Valley, được Opportunity chụp lại vào tháng 6/2017. Đây cũng là điểm dừng chân của chú robot này. 1 năm sau, cơn bão bụi rất lớn đã khiến Opportunity không thể hoạt động tiếp. Ảnh: NASA.
Opportunity đã di chuyển được 42.65 km trên bề mặt Sao Hỏa, hơn bất kỳ một robot tự hành ngoài trái đất nào. Dù chỉ được thiết kế cho hành trình 90 ngày, nhưng Opportunity đã ngoan cường vượt xa những kỳ vọng dành cho mình. Đó là một kỷ lục chưa một robot nào từng đạt được trong lịch sử. Hành trình của Opportunity đã dừng lại, nhưng hành trình khám phá sao Hỏa của con người thì chưa kết thúc ở đây. Sau Opportunity là Curiosity và Mars 2020, những robot tiếp theo được “cử” lên sao Hỏa để trả lời cho những câu hỏi chưa có đáp án của những nhà khoa học.