“Nếu người dân bỏ phiếu ủng hộ độc lập, một giai đoạn chuyển tiếp hai năm sẽ đến sau đó để Pháp làm rõ quan hệ của mình với New Caledonia”, ông Lecornu nói sau một phiên họp của chính phủ Pháp.
Theo Reuters, đây là cuộc bỏ phiếu thứ ba được tổ chức trong vòng 4 năm ở hòn đảo này về việc tách khỏi Pháp và trở thành quốc gia độc lập. Đây cũng sẽ là cuộc bỏ phiếu cuối cùng, theo quy định trong Hiệp ước Noumea năm 1998.
Trong hai cuộc bỏ phiếu năm 2018 và 2020, phe ủng hộ ở lại Pháp đã giành chiến thắng trước phe đòi độc lập.
Người dân New Caledonia sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập vào tháng 12 tới. Ảnh: Strategist. |
New Caledonia từng được người Việt gọi là “Tân Thế giới” Đầu thế kỷ 20, Pháp từng đưa nhiều người lao động Việt Nam đến đây để làm phu mỏ, phu đồn điền. Hiện nơi đây vẫn có cộng đồng người Việt đáng kể
Hòn đảo này bị Pháp sáp nhập từ năm 1853. Từ đó đến nay, giữa hai cộng đồng người bản địa Kanak và người Pháp di cư đã tồn tại căng thẳng. Dưới chế độ thực dân của Pháp, người Kanak từng bị giam giữ trong các “khu bảo tồn” và gần như không được tham gia vào nền kinh tế và chính trị của hòn đảo.
Pháp gọi New Caledonia này là một “lãnh thổ đặc biệt”, trong khi Ủy ban về Phi thực dân hóa của Liên Hợp Quốc vẫn coi đây là một “lãnh thổ không tự quản” (tức thuộc địa) của Pháp. New Caledonia có quyền tự trị đáng kể, nhưng vẫn phụ thuộc vào Pháp ở nhiều lĩnh vực như quốc phòng hay giáo dục.