Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nếu tất cả đều ốm thì sao?' - hệ thống y tế TQ quá tải vì dịch bệnh

Để chống chọi với sự bùng phát của virus corona, Trung Quốc đang dựa vào một hệ thống y tế không hiệu quả, thường xuyên đối mặt với quá tải, thậm chí ngay cả khi không có dịch.

Sau khi bị cảm cúm và có dấu hiệu khó thở trong vòng hơn 15 ngày, ông Hiếu Thế Bính, 51 tuổi đến từ thành phố Vũ Hán, cuối cùng cũng quyết định đến bệnh viện. Bất chấp các triệu chứng đáng lo ngại, ông đã không được xét nghiệm xem có bị nhiễm loại virus corona mới hay không.

Thay vào đó, ông Hiếu được các bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm trùng lan rộng ở phổi và được cho về nhà.

Nhưng khi sức khoẻ ngày càng tệ đi, ông đành phải quay lại bệnh viện. Khổ nỗi, ông đã đi tới 3 bệnh viện khác nhau nhưng họ đều không thể tiếp nhận vì hết giường bệnh.

he thong y te Trung Quoc cang minh truoc virus corona anh 1

Bệnh nhân chờ đợi được xét nghiệm virus corona tại Bệnh viện Chữ thập Đỏ thành phố Vũ Hán. Ảnh: AFP.

Hệ thống quá tải, có thể nhiều ca hơn công bố

Câu chuyện của ông là dấu hiệu cho thấy trên thực tế có thể có nhiều ca nhiễm virus corona hơn con số mà chính phủ Trung Quốc đưa ra.

Bên cạnh đó, cũng như hàng nghìn người dân khác đang lo lắng về virus mới, ông Hiếu đang phải vật lộn để tìm kiếm sự chăm sóc y tế từ một hệ thống quá tải trước những nhu cầu cơ bản nhất của bệnh nhân.

"Giống như là quả bóng vậy, bị đá từ chỗ này đến chỗ khác", bà Phùng, vợ của ông, chia sẻ.

Cuối cùng thì ông Hiếu cũng được nhập viện vào ngày 26/1, nhưng vẫn chưa được xét nghiệm virus corona.

Để chống lại sự bùng phát của loại virus này, vốn đã khiến hơn 4.500 người mắc bệnh hô hấp và 106 người chết, chính phủ Trung Quốc đang dựa vào một hệ thống y tế vốn thường xuyên bị quá tải, ngay cả khi không có dịch.

Trong khi các phần khác trong đời sống hàng ngày của người dân nước này đã cải thiện đáng kể trong thập kỷ qua, chất lượng chăm sóc y tế dường như vẫn giậm chân tại chỗ.

Ở những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, bệnh nhân thường phải xếp hàng nhiều giờ để được vào gặp bác sĩ trong ít phút. Đến mùa cúm, nhiều người thường cắm trại ở hành lang bệnh viện để sớm lấy chỗ cho buổi khám bệnh ngày hôm sau.

Trung Quốc không có hệ thống chăm sóc sức khoẻ sơ bộ toàn diện, vì vậy người dân sẽ tới thẳng bệnh viện khi gặp vấn đề. Cứ 6.666 người dân thì có 1 bác sĩ, thấp hơn tỷ lệ được WHO khuyến cáo là một bác sĩ cho 1.500-2.000 dân.

Bác sĩ đeo bỉm để chữa bệnh

Điều này dẫn tới việc các bác sĩ thường xuyên bị quá tải và có thời điểm họ sẽ phải tiếp đón hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày.

Tình trạng này không quá nghiêm trọng ở các "đô thị loại 1" như Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải hay Thâm Quyến, nhưng đặc biệt trở thành vấn đề đối với các thành phố nhỏ hơn, trong đó có Vũ Hán, tâm điểm của dịch bệnh.

he thong y te Trung Quoc cang minh truoc virus corona anh 2

Các nhân viên y tế hộ tống một người bệnh nghi nhiễm virus corona đến bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: AFP.

Những người dân hoảng loạn của thành phố đã đổ xô đến bệnh viện khi cảm thấy bất cứ dấu hiệu cảm cúm hoặc bị ho.

Các đoạn băng trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy các bác sĩ rất căng thẳng để xử lý khối lượng công việc khổng lồ, và phải đeo cả bỉm vì không có thời gian đi vệ sinh. Hành lang bệnh viện ở Vũ Hán cũng chứa đầy các bệnh nhân, một số có vẻ như đã chết.

Các quan chức Trung Quốc thừa nhận rằng họ đang gặp khó khăn trong việc đối phó với dịch bệnh. Trong một cuộc họp báo tuần trước, uỷ ban y tế Vũ Hán cho biết có rất nhiều bệnh nhân không có giường, và đã chỉ định một số cơ sở khác để người bệnh đến điều trị.

Người dân hoảng loạn

Chính quyền địa phương cũng đang xây dựng một bệnh viện dã chiến quy mô 1.000 giường và tuyên bố sẽ xây thêm 1 cơ sở 1.300 giường vào giữa tháng tới. Đây là động thái giống với trước đây, khi chính quyền xây dựng bệnh viện dã chiến ở Bắc Kinh chỉ trong một tuần để đối phó dịch SARS.

Ông Trần Tập, trợ lý giáo sư về chính sách y tế à kinh tế tại Trường Y tế Công cộng Yale, cho rằng điều quan trọng hơn là có hệ thống các bác sĩ gia đình, đóng vai trò làm người gác cổng cho các bệnh viện.

"Nếu không có quy trình sàng lọc hiệu quả, thì hai bệnh viện dã chiến này sẽ không hiệu quả lắm", ông Chen nhận định.

Khi chính phủ đang nỗ lực để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, người dân tiếp tục phải vật lộn để giành được sự chăm sóc y tế.

Ông Tài Bùi, 41 tuổi, cho biết vợ ông bắt đầu ho và cảm cúm cách đây 3 ngày. Các bệnh viện không tiếp nhận bà, trong khi ông không thể mua khẩu trang và thuốc trị cảm cúm ở các nhà thuốc.

Cặp vợ chồng vẫn chưa thể biết mình có bị nhiễm virus corona hay chỉ bị cảm cúm bình thường, nhưng điều tệ hơn là 3 công ty sản xuất thiết bị y tế của Trung Quốc vừa thông báo họ không có khả năng sản xuất đủ bộ xét nghiệm virus corona.

he thong y te Trung Quoc cang minh truoc virus corona anh 3

Các công nhân đeo khẩu trang trên công trường xây dựng bệnh viện dã chiến ở thành phố Vũ Hán. Ảnh: AFP.

"Đôi khi tôi chỉ có thể lánh đi và khóc, nhưng tôi không thể nói với bà ấy, và phải trấn an bà ấy rằng đó không phải là virus corona. Chúng tôi rất sợ hãi, nếu như bị nhiễm virus thật, chúng tôi có trẻ nhỏ và người già ở nhà. Nếu như tất cả bị ốm thì sao?", ông Tài chia sẻ.

Trong khi đó, con gái của ông Hiếu cho biết cha mình được chẩn đoán bị viêm phổi nặng, và giờ đây được dán nhãn "có khả năng cao đã nhiễm bệnh". Tuy nhiên ông vẫn phải sử dụng thuốc hạ sốt và chống viêm thông thường.

"Cho đến nay, không có thuốc đặc trị với virus corona, vì vậy chúng tôi chỉ có thể dựa vào khả năng miễn dịch của ông ấy", cô Hiếu nói.

Cận cảnh TQ xây dựng thần tốc bệnh viện 1.000 giường ở Vũ Hán Thành phố Vũ Hán đang gấp rút xây dựng bệnh viện 1.000 giường chỉ trong 10 ngày, để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona đang tăng nhanh và ngày một nguy hiểm hơn.

Mỹ cảnh báo cấp cao nhất, yêu cầu công dân tránh du lịch TQ

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đưa ra cảnh báo cấp 3 - cấp cao nhất - yêu cầu công dân Mỹ tránh các chuyến đi không cần thiết tới Trung Quốc vì virus corona.

Chuyên gia Hong Kong hối thúc biện pháp quyết liệt hơn vì virus corona

Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Hong Kong đang thúc giục chính quyền đặc khu thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm chống lại sự lây lan của virus corona.

Sơn Trần

(theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm