Sau khi Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ tại eo biển Hormuz ngày 20/6, kế hoạch đáp trả của Mỹ đã sẵn sàng. Washington chịu sức ép phải hành động, vì dẫu sao họ cũng đã cáo buộc Iran bắn rơi drone của Mỹ, có trị giá 130 triệu USD, trong “không phận quốc tế”. (Iran nói máy bay bị bắn rơi trong không phận Iran.)
Quân đội Mỹ đã “lên đạn”, theo lời Tổng thống Trump. Thế nhưng, cũng chính ông Trump ra lệnh dừng cuộc tấn công, khi biết rằng sẽ làm 150 người chết, nghiêm trọng hơn nhiều so với chiếc drone bị bắn rơi.
Iran và Mỹ mâu thuẫn nhau về vị trí máy bay do thám bị bắn hạ. Đồ họa: New York Times. |
Iran có thể gây thương vong cho Mỹ ở bất cứ đâu
Nếu kịch bản tấn công xảy ra, Iran có thể ngay lập tức làm náo loạn kinh tế thế giới bằng cách đặt mìn eo biển Hormuz, chặn tuyến hàng hải có 40% lượng dầu thô thế giới đi qua. Dù Mỹ có đẩy lùi được chiến lược này, giá dầu vẫn sẽ tăng vọt. Tuy nhiên, đây không phải là đòn phản công duy nhất mà Iran nắm trong tay, các chuyên gia nói với NBC News (Mỹ).
Iran nhiều khả năng sẽ nhờ cậy các nhóm vũ trang thân Tehran vốn có khả năng gây thương vong khó lường cho Mỹ và đồng minh, theo các chuyên gia. Phiến quân Houthi ở Yemen sẽ tăng cường bắn tên lửa phá hoại cơ sở hạ tầng của Saudi Arabia. Lực lượng Shi’ite ở Iraq sẽ gây bất ổn, đe dọa hòa bình mong manh ở nước này. Nhóm khủng bố Hezbollah có thể tấn công Israel hoặc lợi ích của Mỹ ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Các nhóm trên có thể cướp đi mạng sống của người Mỹ, nếu Iran muốn. Các chiến binh Shi’ite có thể xông vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và bắt giữ con tin. Hezbollah, trước vụ 11/9 là nhóm khủng bố đã giết nhiều người Mỹ nhất, có thể tấn công ở tận những nơi xa xôi như Nam Mỹ.
Iran sẽ ra đòn theo cách để họ luôn có thể phủ nhận mọi sự liên quan. Khi Mỹ chiếm đóng Iraq sau năm 2003, Washington biết Iran huấn luyện và trang bị cho phiến quân Shi’ite đang tấn công và giết hại lính Mỹ. Tuy nhiên, Iran luôn nói phiến quân đó tự ý hành động.
Máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk của Mỹ bị bắn rơi rạng sáng 20/6. Ảnh: Không quân Mỹ. |
“Trước nay, để đối phó với các hành động như vậy của Mỹ, Iran thường không đáp trả trực tiếp và ngay lập tức, mà ra đòn gián tiếp và trong thời gian dài”, Ray Takeyh, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và chuyên gia về Iran ở Hội đồng Quan hệ Quốc tế, nói với NBC News.
Mỹ và Iran đã “ném đá giấu tay”, bí mật tấn công lẫn nhau từ nhiều thập kỷ. Tổng thống Obama được cho là đã ra lệnh tấn công mạng, dùng mã độc có tên Stuxnet để phá hoại máy li tâm trong chương trình hạt nhân của Iran. Iran chế tạo bom được dùng để tấn công lính Mỹ ở Iraq.
Tính toán nhầm dẫn đến chiến tranh tổng lực
Lần cuối một tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công Iran là những năm 80, khi Iran - Iraq đang chiến tranh, và Iran tấn công các tàu chở hàng ở vịnh Ba Tư. Tháng 4/1988, mìn của Iran làm bị thương 10 thủy thủ của tàu USS Samuel B. Roberts (Mỹ). Mỹ đáp trả, loại bỏ phần lớn lực lượng hải quân yếu ớt của Iran và phá hủy hai giàn khoan của quốc gia Hồi giáo.
Tên lửa dẫn đường của Mỹ còn vô tình bắn rơi một máy bay chở khách của Iran tháng 7/1988, giết chết 290 dân thường. Iran buộc phải dừng gây hấn.
Tuy nhiên, tình hình bây giờ đã khác, Iran có thể gây thiệt hại hơn nhiều so với những năm đó, theo các chuyên gia.
Người đứng đầu nhánh hàng không vũ trụ của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, ông Amirali Hajizadeh bên cạnh những mảnh vỡ được cho là của chiếc máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ bị bắn hạ. Ảnh: AP. |
Ngoài các lực lượng phiến quân mà Iran có thể giật dây, nước này còn mạnh về tấn công mạng. Iran được cho là đứng đằng sau cuộc tấn công mạng đã xóa sạch dữ liệu 35.000 máy tính của Aramco, công ty dầu Saudi Arabia, năm 2012.
Mỹ vẫn có thể hủy diệt hải quân Iran trong hai ngày, theo phân tích gần đây của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, chính quyền Iran khi cảm thấy sự tồn tại bị đe dọa sẽ đáp trả một cách khó lường.
“Chúng ta có thể tính toán sai rất nhanh, khi cả hai sợ bên kia sẽ leo thang và tấn công mạnh hơn, trở thành xung đột rộng lớn”, Ilan Goldenberg, giám đốc về Trung Đông của Trung tâm An ninh Mỹ Mới, viết trên Twitter.
Iran có thể tưởng những cuộc không kích giới hạn của Mỹ là khởi đầu của xâm lược, và buộc phải hành động để bảo vệ mình, dẫn đến chiến tranh tổng lực.
Các đồng minh của Mỹ là Saudi Arabia, UAE và Israel cũng đang theo dõi sát sao, với hy vọng toan tính của Mỹ và Iran không biến thành chiến tranh và buộc các nước vào cuộc. Cả ba nước đều là mục tiêu để Iran phản công trong trường hợp bị dồn vào chân tường.
Nếu Mỹ buộc phải lật đổ chính quyền Iran, sẽ tốn hàng trăm tỷ USD và vô số mạng sống của lính Mỹ, ông Goldenberg viết trong một phân tích gần đây.
“Dù chưa đến tình huống đó, bất kỳ cuộc chiến nào với Iran cũng sẽ khiến Mỹ sa lầy ở Trung Đông trong nhiều năm tới. Cuộc chiến, và hậu quả của nó sẽ tiêu tốn hàng trăm tỷ USD và trói chân không chỉ Tổng thống Trump mà còn nhiều tổng thống tương lai khác”, ông viết.
“Làm vậy cũng có nghĩa Mỹ sẽ không còn sức cạnh tranh nước lớn với Nga và Trung Quốc”.
Ông Trump đã nói không muốn chiến tranh. Ông nói với NBC News ngày 21/6 rằng ông sẽ mời lãnh đạo Iran đàm phán.
“(Chiến tranh) sẽ mang lại hủy diệt chưa từng thấy. Tôi không muốn làm vậy”, tổng thống nói. “Nhưng họ không thể có vũ khí hạt nhân. Họ muốn đối thoại - tốt! Nếu không, họ sẽ có nền kinh tế tồi tệ trong ba năm tới”.