Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nepal vẫn chật vật khắc phục hậu quả 1 năm sau động đất

Hoạt động tái thiết diễn ra chậm chạp, các địa điểm du lịch bỏ hoang vì vắng khách, nhiều khu vực lều tạm vẫn tồn tại giữa thủ đô của Nepal suốt 1 năm sau cơn địa chấn kinh hoàng.

Một năm sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ngày 25/4/2015, Nepal vẫn đang trong tiến trình chậm chạp khôi phục sau thiên tai. Người dân ở nhiều khu vực, bao gồm cả thủ đô Kathmandu, đang dọn dẹp những mảnh vỡ từ thảm họa, theo trang AccuWeather.

"Kathmandu vẫn hỗn độn. Khu vực quảng trường Durbar trông giống như động đất vừa xảy ra hôm qua", Lara Miller, một khách du lịch Canada trở lại Nepal vào tháng 4 năm nay miêu tả.

Một vài tòa nhà phải chống đỡ để tránh đổ sụp và đang chờ sửa chữa. Nhiều tuyến đường chưa được khôi phục, vài nơi khác đang được tiến hành sửa chữa.

"Thật ngạc nhiên khi nơi đây thay đổi rất ít trong suốt một năm qua", nhiếp ảnh gia James Nachtwey của tạp chí TIME đến Nepal vào tháng 3, nhận xét.

Nepal mot nam sau dong dat anh 1

Một người đi trên đống đổ nát do động đất ở thành phố Sankhu vào tháng 1/2016, 9 tháng sau cơn địa chấn 7,8 độ Richters. Ảnh: TIME

Nơi đầu tiên Nachtwey đến thăm là một khu lều tạm ở trung tâm Kathmandu. Ông nhận thấy không có nhiều dấu hiệu về sự tái thiết và khắc phục thiệt hại. Ở một vài nơi, đống đổ nát bị đẩy sang một bên. Vật liệu xây dựng được xếp chồng lên nhau, sẵn sàng để sử dụng. Tuy nhiên, rất ít hoạt động xây dựng diễn ra.

Theo nhiếp ảnh gia, một vài hoạt động tái thiết diễn ra ở làng Barpak, huyện Gorkha nhưng nhìn chung mọi thứ ít thay đổi kể từ năm ngoái. Người dân vẫn tiếp tục sống giữa đống đổ nát của các ngôi nhà cũ.

"Tôi thấy khung cảnh này vào năm ngoái, vài ngày hay vài tuần sau động đất. Nhiều công trình, nhà cửa bị phá hủy, thiệt hại về người. Ở các huyện miền núi như Gorkha, họ bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Năm nay, tình hình vẫn tuyệt vọng như vậy. Tuy nhiên, người dân Barkha và các cộng đồng miền núi tiếp tục thể hiện sức mạnh nội tâm to lớn, nghị lực trong bối cảnh bị thiên tai tàn phá", ông Nachtwey nói.

Một trong những nhiệm vụ trước mắt là giảm số lượng khu vực lều tạm. Sau thảm họa, hơn nửa triệu người mất nhà cửa dựng lều để trú ngụ tạm thời. Nó gây ra nhiều vấn đề khi mùa mưa đến.

Không chỉ các cơn bão đe dọa cuộc sống người dân, các đội cứu trợ cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận và cung cấp thực phẩm, nước cho những khu vực xa trung tâm.

Nhiều khu vực bị bỏ hoang, du lịch ảm đạm

Cặp vợ chồng người Australia, Mark và Miranda, đến Nepal vào tháng 2 năm nay. Họ đi bộ quanh khu vực Annapurna để khám phá và thấy rõ hậu quả của trận động đất năm 2015. Họ dễ dàng bắt gặp những tòa nhà hư hỏng, những câu chuyện sống sót trong thảm họa.

Nepal mot nam sau dong dat anh 2
Một công trình đang được xây dựng ở làng Barpak. Nhìn chung, các hoạt động tái thiết ở đây diễn ra khá chậm chạp. Ảnh: TIME

Thamel, khu du lịch tấp nập mà Mark biết đến vài năm trước đây, bây giờ trơ trọi. Các du khách bỏ đi và không trở lại do sợ hãi thảm họa và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng thiếu nhiên liệu kéo dài 5 tháng cuối năm ngoái, theo Intrepid Travel.

Cảnh đói nghèo hiện lên rõ nét. Các cánh cửa đóng chặt, nhà hàng chỉ phục vụ vài bữa một ngày, buổi đêm bắt đầu từ 8h tối.

"Du khách không trở lại đây nữa", một bồi bàn nhún vai bất lực. Mark và Miranda là những vụ khách duy nhất ở nhà hàng này.

Truyền hình từng chiếu những hình ảnh về quảng trường Dubar bị phá hủy sau động đất, tuy nhiên, nhiều công trình du lịch ở Kathmandu vẫn nguyên vẹn nhưng đang bị bỏ hoang.

Sự tàn phá kinh hoàng của động đất

Ngày 25/4/2015, một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter rung chuyển Nepal và các khu vực lân cận, gây thiệt hại thảm khốc về con người và kinh tế, hoảng loạn lan rộng.

Đây một trong những trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Nepal, tâm chấn chỉ cách thủ đô Kathmandu 82 km.

Miller đến Nepal leo núi năm ngoái, đúng vào thời điểm động đất xảy ra. Khi đó, anh ở gần thành phố Pokhara, phía tây tâm chấn. Nhiều con đường bị phong tỏa do sạt lở đất và lở tuyết.

"Từ thời điểm cơn địa chấn diễn ra cho tới khi tôi đặt chân tới Mỹ, mọi thứ vẫn chưa rõ ràng. Tôi cảm thấy mình đang sống trong một bộ phim về thảm họa. Sau động đất, việc đến Kathmandu rất khó, hầu hết mọi người đều cố gắng chạy khỏi đây", Miller nói.

Hàng chục cơn dư chấn tiếp tục xảy ra vài tuần sau đó. Dư chấn lớn nhất được ghi nhận mạnh 7,3 độ Richter, khiến những ngôi nhà vốn bị thiệt hại nhẹ trong cơ địa chấn đầu tiên sụp đổ.

Theo chính phủ Nepal, hơn 8.800 người chết và 22.000 người bị thương trong thảm họa này. Ngoài ra, gần 900.000 công trình bị hư hỏng một phần hoặc hư hại hoàn toàn. Nó khiến nền kinh tế quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 10 tỷ USD, tương đương một nửa tổng GDP cả nước.

Để hỗ trợ Nepal khắc phục hậu quả thiên tai, các nhà tài trợ quốc tế cam kết ủng hộ nước này 4,1 tỷ USD trong một cuộc họp vào tháng 6/2015 ở Kathmandu. Tuy nhiên, số tiền để hỗ trợ người dân xây lại nhà cửa bị giữ lại do nền chính trị rối ren của Nepal.

Các lãnh đạo của đất nước tham gia vào cuộc chiến kéo dài để đưa ra một hiến pháp mới, gây ra các cuộc biểu tình bạo lực giữa các cộng đồng sống dọc biên giới phía nam, giáp Ấn Độ. Hậu quả của tình trạng này là việc xây dựng, tái thiết bị đình trệ. 

Những phận đời tật nguyền vì động đất lịch sử ở Nepal

Nhiều thanh niên trở thành người tàn tật trong trận động đất ở Nepal hồi tháng 4 năm ngoái. Cuộc sống đảo lộn hoàn toàn, nhưng họ không mất niềm tin.

Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm