Hàng triệu trận động đất xảy ra rải rác trên thế giới mỗi năm, nhưng phần lớn chúng không gây chú ý vì cường độ nhỏ và không gây ra thương vong hay thiệt hại nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong tuần qua, liên tiếp 3 trận động đất lớn xảy ra ở Nhật Bản (vào ngày 14 và 16/4 tại cùng tỉnh Kumamoto ở miền Nam, với cường độ lần lượt là 6,4 và 7,3 độ Richter) và Ecuador (ngày 18/4, cường độ 7,8 độ Richter) khiến thế giới bàng hoàng. Nhiều nghĩ đến sự liên quan của các trận động đất này.
Các cơn địa chấn ở Ecuador và Nhật Bản đều xảy ra ở vùng có hình móng ngựa mà Hội Địa lý quốc gia Mỹ gọi là Vành đai Lửa trên Thái Bình Dương. Đây là nơi dễ xảy ra các hoạt động địa chất mạnh như động đất hoặc núi lửa phun trào.
Theo thống kê của Viện khảo sát địa chất Mỹ (USGS), những trận động đất cường độ từ 7 đến 7,9 độ Richter có thể xảy ra với tần suất khoảng 15 lần/năm. Những trận mạnh hơn, với cường độ trên 8 độ Richter, chỉ xảy ra khoảng 1 lần trong năm.
Động đất mạnh ở Nhật Bản và Ecuador xảy ra trong cùng một tuần. Ảnh: CNN |
Cơ chế "kích hoạt từ xa"
Nhà địa chất Paul Caruso của USGS cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định, nhưng cũng không thể phủ nhận khả năng động đất ở Ecuador và Nhật Bản có liên quan đến nhau.
"Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mối liên hệ giữa các cơn địa chấn ở Ecuador và Nhật Bản. Thông thường, chúng tôi sẽ không cho rằng động đất có tính liên kết với nhau xuyên qua cả đại dương", Caruso trả lời CNN.
Tuy nhiên, ông cho biết một số nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về lý thuyết "kích hoạt từ xa". Đây là giả thuyết cho rằng một trận động đất rất mạnh có thể kéo theo cơn địa chấn khác xảy ra ở khoảng cách xa. Khoảng cách địa lý giữa Ecuador và Nhật Bản là 15.445 km.
Nhà cửa đổ sập sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở Ecuador. Ảnh: CNN |
Theo trang Live Science, một số nghiên cứu đã ghi nhận các vụ động đất mạnh có thể kéo theo một số trận động đất xảy ra ở nơi khác. Một vụ việc điển hình là cơn địa chấn cường độ 8,6 độ Richter xảy ra ở ngoài khơi đảo Sumatra phía đông Ấn Độ Dương hồi năm 2012.
Sau sự việc này, nhiều trận động đất khác liên tiếp xảy ra trên toàn thế giới trong khoảng từ vài giờ cho đến 6 ngày liên tiếp sau đó. Cường độ của chúng khoảng 5.5 độ Richter hoặc mạnh hơn.
Roland Burgmann, nhà nghiên cứu về khoa học trái đất tại Đai học California ở Berkely (Mỹ), thừa nhận: "Khả năng kích hoạt từ xa là có thật nhưng rất hiếm, có thể chỉ xảy ra vài lần trong nhiều thập kỷ".
Phát hiện này cũng cho thấy nguy cơ chịu ảnh hưởng từ động đất vẫn đáng kể đối với các vùng nằm trong khu vực hoạt động địa chất mạnh, ngay cả khi chúng nằm cách xa nhau qua cả một đại dương.
Nhiều ngôi nhà bị sập ở thị trấn Mashiki trong trận động đất hôm 15/4. Ảnh: CNN |
Động đất ở Ecuador và Nhật Bản không liên quan
Mark Benthien, giám đốc Trung tâm nghiên cứu động đất Nam California, cũng cho rằng "thỉnh thoảng một số trận động đất lớn có thể kích hoạt gây ra địa chấn tại một nơi khác. Tuy nhiên, cường độ của chúng phải đủ mạnh".
"Hai vụ động đất vừa qua ở Nhật Bản không đủ lớn để có thể gây ra động đất ở Ecuador. Cường độ phải ít nhất là 9 độ Richter mới khiến địa chấn xảy ra ở khoảng cách xa như thế. Do vậy, hoàn toàn không có sự liên quan nào trong trường hợp này", ông Benthien nói trên đài ABC.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu địa chấn Johanna Wagstaffe khẳng định với kênh CBC (Canada) rằng khoảng cách giữa hai nước quá xa để có thể nhận xét về sự liên kết giữa các trận động đất.
"Một trận động đất lớn có thể gây ra những hoạt động địa chấn khác sau đó, thường gọi là dư chấn. Nhưng chúng thường chỉ xảy ra xung quanh khu vực động đất ban đầu, trong khi Nhật Bản và Ecuador cách nhau hơn 15.000 km", bà Wagstaffe nói.
Giáo sư Jonathan Stewart (Đại học California tại Los Angeles, Mỹ) thì nhấn mạnh "việc xảy ra động đất là quá trình hoàn toàn ngẫu nhiên".