Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nên làm gì khi cảm thấy chán ngành học hiện tại

Hiện nay, chọn sai ngành học có thể khiến các bạn trẻ chán nản và thậm chí từ bỏ môi trường mình đang theo học. Trong trường hợp này, chúng ta nên làm gì để xác định lại mục tiêu.

gen z chon nganh anh 1

Ảnh: Tiểu Bảo Trương/Pexels.

Sau khi cố gắng trải nghiệm, hòa nhập, nếu bản thân vẫn cảm thấy chán ghét ngành học của mình thì phải làm sao? Mình tìm đam mê trong ngành học bằng cách liên kết kiến thức với một hoạt động mình yêu thích.

Ví dụ, vì thích các hoạt động sáng tạo nội dung nên mình làm YouTube để chia sẻ về ngành và xây dựng một kênh Instagram để chia sẻ kiến thức về ẩm thực, ngành F&B mình đang học. Tự nhiên lúc này, mình cảm thấy ngành học có nhiều kiến thức bổ ích để chia sẻ, mình nhận ra có nhiều người cùng quan tâm đến công việc mình đang làm.

Một cách khác để biến công việc mình ghét trở nên đỡ tồi tệ, đó là trở thành người tốt nhất trong công việc mình ghét để có được cơ hội tốt hơn. Mình ghét ngành mình là do ra trường mình phải đi phục vụ, cơ hội việc làm cho người mới ra trường chỉ toàn là công việc chân tay. Trong suốt quá trình học, dù ghét, mình vẫn cố gắng học tốt, làm tốt cả công việc được giao để khi ra trường có đủ năng lực lên làm quản lý chứ không phải chạy bàn như số đông.

Tuy cùng một ngành nhưng vị trí quản lý chắc chắn sẽ khiến mình hứng thú hơn là một vị trí bồi bàn thông thường. Mình dần tạo ra một lời hứa với chính mình: Một khi chưa phải người giỏi nhất trong công việc thì mình không được chán ghét nó vì chưa nỗ lực đủ nhiều để chinh phục ngành đó tới cùng. Khi chưa chinh phục tới cùng, mình chưa thể khai phá hết những góc cạnh của ngành.

Còn một khi mình đã là người giỏi nhất trong công việc, nghĩa là bản thân phần nào đã khai thác triệt để mọi nguồn tài nguyên, phát triển hết khả năng của mình trong lĩnh vực đó, mình mới đủ lý do để đổi sang một ngành nghề mới có nhiều đất cho bản thân tỏa sáng hơn.

Giai đoạn tồi tệ nhất của việc chọn sai ngành là sau tốt nghiệp. Đó là lúc chúng mình phải đứng giữa ngã rẽ của việc tiếp tục làm việc trong ngành mình ghét hay chuyển sang một ngành khác. Chuyển sang ngành khác thì rủi ro quay lại từ đầu là rất lớn. Mình đã từng trải qua giai đoạn này và rơi vào trạng thái khủng hoảng hậu tốt nghiệp.

Trước khi tốt nghiệp, mình khăng khăng sẽ về Việt Nam và học MBA để chuyển sang một lĩnh vực mới dù chẳng biết sau đó mình sẽ làm gì, chỉ biết muốn học lên để trốn tránh trạng thái mất phương hướng và trì hoãn việc phải đưa ra quyết định mình muốn theo đuổi ngành gì. Cuối cùng, có một cơ hội tốt lên với mình, trong chính lĩnh vực mình làm, khiến mình quyết định ở lại Úc và thử cho bản thân một cơ hội nữa để thử sức với lĩnh vực mình chọn.

Sau một thời gian, mình cảm thấy có lẽ phải làm ít nhất từ ba đến năm năm thì mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng. Đôi khi những trải nghiệm ở một, hai công việc đầu tiên không thể cho chúng mình bức tranh toàn cảnh của ngành nghề. Bởi lẽ, thời điểm mới ra trường cũng là lúc chúng mình mới chập chững làm quen với công việc. Khi chưa có kinh nghiệm và sự tự tin trong lĩnh vực mình làm, chúng mình có thể cảm thấy chán nản vì bản thân không thấy mình có giá trị với công việc, không có hiệu quả khi làm việc.

Vậy chuyện gì xảy ra khi mình lỡ chọn sai ngành? Đó là mình nhận ra ngành mình thích ban đầu không phải ngành mình thật sự đam mê. Mình có thể sẽ phải đi tìm một nghề mới phù hợp hơn, nhưng ít nhất mình thỏa mãn hứng thú lúc ban đầu và không cảm thấy tiếc nuối vì chưa thử. Khi nhận ra chọn sai ngành, cách một là vẫn tiếp tục theo đuổi công việc hiện tại, cách hai là thay đổi. Dù theo cách nào, đừng coi chuyện sai ngành là một điều quá trầm trọng đến mức thế giới bạn có thể sụp đổ, nó là một cơ hội, một cánh cửa để bước tiếp.

Hoàng Phương Linh/Bloom Books & NXB Thế giới

SÁCH HAY