Theo Bloomberg, bất chấp rủi ro do biến chủng virus Delta, nền kinh tế toàn cầu vẫn gửi đi những tín hiệu khả quan trong quý III/2021. Tốc độ tăng trưởng nhanh và lạm phát dường như đã đạt đỉnh sau khi tăng mạnh gần đây.
Điều này xóa bỏ phần nào rủi ro nhu cầu tiêu dùng toàn cầu lao dốc và giá cả leo thang, giúp trấn an các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư.
Theo số liệu trong dự báo tức thời (nowcast) của Bloomberg Economics, GDP toàn cầu trong quý III đang trên đà tăng 1,8% so với quý trước đó. Điều này trái ngược với lo ngại rằng biến chủng Delta sẽ cản đường phục hồi của nền kinh tế.
Bất chấp biến chủng Delta nguy hiểm và lây lan nhanh hơn, các nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn phát đi những tín hiệu khả quan. Ảnh: Reuters. |
Tốc độ phục hồi khác nhau
Giá tiêu dùng cũng tăng với tốc độ bớt đáng lo ngại hơn. Lạm phát của Mỹ đạt đỉnh và giảm trở lại. Trước đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell khẳng định việc lạm phát tăng đột biến chỉ là tạm thời.
Ông Bjorn Van Roye và Tom Orlik - hai nhà kinh tế tại Bloomberg Economics - cho biết các dự báo không thể nhìn thấy tương lai. Biến chủng virus mới cũng sẽ khiến tình hình thay đổi nhanh chóng.
"Tuy nhiên, dữ liệu hiện tại đang cho thấy một khởi đầu tích cực trong quý III. Sự phục hồi toàn cầu đang tăng tốc và lạm phát đã được điều chỉnh", hai vị chuyên gia nói thêm.
Trên thực tế, các nền kinh tế đang ở những giai đoạn phục hồi rất khác nhau. Trung Quốc, nhờ việc nhanh chóng kiểm soát virus, và Mỹ, với các gói kích thích kinh tế quy mô lớn, đã đưa sản lượng lên mức đỉnh trước đại dịch. Hai quốc gia đóng góp lớn vào sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Ở chiều ngược lại, Anh và khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn thụt lùi trong quá trình phục hồi. Tại Nhật Bản, việc triển khai vaccine chậm đồng nghĩa với phục hồi chậm chạp.
Dự báo của Bloomberg Economics chỉ ra GDP toàn cầu trong quý III/2021 đang trên đà tăng 1,8% so với quý trước đó. |
Theo Bloomberg, có một điều mà các dự báo không thể nắm bắt được. Đó là những thay đổi của các chính sách và hành động trong tương lai khi thế giới ứng phó với đại dịch. Con đường phục hồi không suôn sẻ của Ấn Độ là minh chứng cho thấy mọi thứ có thể thay đổi nhanh như thế nào.
Trung Quốc hiện cũng đối mặt với những rủi ro mới khi đất nước tìm cách ngăn chặn sự bùng phát của chủng Delta.
Khi Bắc Kinh áp dụng các biện pháp mạnh tay để ngăn ngừa virus lây lan, việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa sẽ bị giám sát chặt chẽ, gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng. JPMorgan hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III từ 7,3% xuống còn 6,7%. Dự báo cả năm cũng giảm từ 9,1% còn 8,9%.
Goldman Sachs cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Trung Quốc từ 8,6% xuống còn 8,3%, trong khi Nomura Holdings hạ dự báo xuống 8,2%.
Không thay đổi lãi suất
Ngoài ra, một số người lo ngại xu hướng tăng của lạm phát sẽ kéo dài, làm hạn chế dư địa của các biện pháp kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương. Rủi ro lạm phát cũng tạo áp lực mới lên những cơ quan quản lý, gây ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi thị trường lao động và nền kinh tế.
Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng trong mùa hè đã tăng lên 5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt khỏi vùng an toàn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tuy nhiên, dự báo cho thấy tỷ lệ sẽ đạt đỉnh và bắt đầu giảm trong quý III.
Khu vực đồng tiền chung euro cũng có thể chứng kiến lạm phát gia tăng, dù không cao như ở Mỹ. Tại Nhật Bản, mức tăng lạm phát trong quý III dự kiến đi ngang ở 0,1%.
Đối với các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới, quá trình phục hồi suôn sẻ và rủi ro lạm phát tiêu biến đồng nghĩa với việc họ sẽ không vội thực hiện những thay đổi lớn.
Các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới sẽ không vội thực hiện những thay đổi lớn trong năm nay. |
FED dự kiến bắt đầu thu mua trái phiếu vào đầu nằm 2022. Cơ quan này có thể cung cấp thêm thông tin rõ ràng hơn ngay sau Hội nghị Jackson Hole, bắt đầu từ ngày 26/8.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể đi theo hướng khác. Cơ quan này báo hiệu sẵn sàng chịu mức lạm phát lớn hơn và có khả năng tăng mua tài sản.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng tìm cách kích thích tăng trưởng thông qua quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các nhà băng nước này. Theo Bloomberg, sự bùng phát của biến chủng Delta có thể buộc Bắc Kinh phải hành động nhiều hơn.
Tại các thị trường mới nổi, hoạt động kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến nhờ những biện pháp kích thích tài khóa lớn. Nhờ đó, một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu bình thường hóa chính sách. Nga và Brazil là hai trong số các quốc gia mới nâng tỷ giá.