Mặc dù có hạng mục vượt tiến độ đến 6 tháng, dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 vẫn chưa thể về đích vào tháng 9 như kỳ vọng của Bộ GTVT. Trên tuyến có nhiều đoạn xử lý nền đất yếu khiến nhà thầu tốn thời gian xử lý.
Với ý nghĩa nối dài mạch cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Thanh Hóa, dự án đang được Bộ GTVT, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước tích cực đôn đốc để về đích vào cuối năm 2022.
Chờ xử lý 20 km nền đất yếu
Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 64 km, trong đó 14,35 km qua địa bàn Ninh Bình và 49,02 km ngang Thanh Hóa. Khâu giải phóng mặt bằng qua 2 địa phương đã hoàn thành, đảm bảo công địa để nhà thầu thi công.
Với tính chất dự án đi qua địa hình bán sơn địa, xen lẫn đồi núi thấp và đồng ruộng, các nhà thầu mất nhiều thời gian để san lấp và đào khoét, tạo nền đường bằng phẳng. Một số vị trí nền đất yếu cần đắp thêm đất để gia tải, chờ lún rồi mới dỡ tải để thi công.
Hạng mục hầm Tam Điệp dự kiến hoàn thành vào tháng 6. Ảnh: Ngọc Tân. |
Một trong những hạng mục về đích sớm nhất là công trình hầm Tam Điệp. Đây là hầm xuyên núi đầu tiên mà tài xế sẽ bắt gặp trên lý trình cao tốc Bắc - Nam từ Hà Nội đến TP.HCM. Với ý nghĩa quan trọng này, nhà thầu thi công đã vượt tiến độ 6 tháng, dự kiến hoàn thành trong tháng 6.
Tại công trường dự án, ông Phạm Nhật Việt, Tư vấn giám sát trưởng gói thầu số 10, cho biết 4,6 km xử lý nền đất yếu là phần việc tốn nhiều thời gian nhất của toàn bộ gói thầu. Trong khi những đoạn thông thường có thể hoàn thành thi công vào 30/9, các đoạn có nền đất yếu phải đến cuối tháng 12 mới hoàn thành.
Trên toàn tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45 có hơn 20 km phải xử lý nền đất yếu, nằm rải rác ở 5 gói thầu. Trong đó, gói số 14 có chiều dài nền đất yếu nhiều nhất với 12 km.
Công đoạn đổ đất để gia tải nền đất yếu tại cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Ngọc Tân. |
Khâu xử lý nền đất yếu mất nhiều tháng, thậm chí cả năm để đắp đất chờ lún. Theo trình tự thi công, nhà thầu sẽ phải đào móc hết lớp đất bùn, đổ đất gia tải khu vực nền đất yếu, chờ lún hết biên độ rồi dỡ tải để thi công mặt đường.
Tuy nhiên không phải lúc nào mức độ lún cũng nghiêm trọng như dự báo. Vừa qua, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã kiểm tra dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và chỉ ra độ lún thực tế tại một số đoạn tuyến ít hơn dự báo lún của tư vấn thiết kế.
Hội đồng đã yêu cầu nhà thầu cùng tư vấn rà soát lại toàn bộ kết quả quan trắc, đánh giá những đoạn sắp đến thời gian dỡ tải thì tiến hành dỡ ngay để tiết kiệm thời gian. Những đoạn phức tạp cần đánh giá lại nền địa chất để có phương án xử lý thích hợp.
Ngoài việc xử lý nền đất yếu, nhà thầu cũng gặp khó khăn trong việc đào phá các tảng đá lớn để giải phóng nền đường. Do một số vị trí ở gần nhà dân, đơn vị thi công không thể cho nổ mìn, phải dùng giải pháp khoan bột nở để phá từng cụm nhỏ.
Sức ép với nhà thầu
Trong bối cảnh chỉ còn hơn 6 tháng nữa phải hoàn thành dự án, các nhà thầu đang triển khai 68 mũi thi. Tổng sản lượng thi công đến nay đạt 4.216,78 tỷ đồng, tương đương 61,05% giá trị xây lắp theo hợp đồng.
Tại gói thầu số 10, PMU Thăng Long đánh giá nhà thầu Xuân Trường thi công chậm, chưa huy động đủ máy móc và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ như yêu cầu của Bộ GTVT.
Đơn cử, hạng mục thi công nền đường phải đáp ứng năng suất 3.600 m3/ngày để đảm bảo hoàn thành nền đường trước 29/7. Thực tế tiến độ thi công của nhà thầu còn chậm, mới đạt 1.500 m3/ngày. Nhà thầu chưa thực hiện đẩy nhanh tiến độ như chỉ đạo của Bộ GTVT.
Một đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 đang được thảm cấp phối xi măng. Đây là lớp vật liệu nằm giữa cấp phối đá dăm và bê tông nhựa. |
Với những đoạn thi công cấp phối đá dăm và cấp phối xi măng, nhà thầu Xuân Trường đã triển khai thi công đại trà nhưng tiến độ cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Trên đoạn tuyến dài hơn 15 km của gói thầu, mới có 2,7 km được trải cấp phối đá dăm và 0,87 km trải cấp phối xi măng, chưa có đoạn nào được thảm bê tông nhựa.
Cục Quản lý xây dựng đã yêu cầu nhà thầu Xuân Trường phải bổ sung mũi thi công cấp phối đá dăm, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành thi công cấp phối đá dăm và cấp phối xi măng trước ngày 30/7.
Tại gói thầu 11, 12, 13 và 14, thuộc trách nhiệm thi công của nhà thầu Đèo Cả, Cường Thịnh Thi, Hoàng Long, Trường Sơn, Vinaconex, Trung Nam..., tiến độ đều có dấu hiệu chậm, chưa đạt yêu cầu. PMU Thăng Long đã đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo tiến độ tổng thể dự án hoàn thành vào cuối năm 2022.
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã yêu cầu PMU Thăng Long chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu thi công huy động thêm máy móc, nhân lực, thi công tăng ca cả ngày lẫn đêm để đảm bảo tiến độ.