Phó tổng thư ký NATO Alexander Vershbow phát biểu trước báo giới trong tuần này rằng, vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng tại Ukraina đã buộc NATO cân nhắc lại quan điểm của liên minh quân sự về Nga đồng thời cho hay, binh sĩ bổ sung của NATO có thể sẽ sớm hiện diện tại khu vực trong bối cảnh căng thẳng có chiều hướng dâng cao.
Phó tổng thư ký NATO Alexander Vershbow. Ảnh: sikerado.hu. |
Nhà báo Robert Burns của AP dẫn ý kiến của ông Vershbow, cho rằng vai trò của Điện Kremlin trong các sự kiện gần đây tại Ukraina đánh dấu một bước ngoặt trong nhiều thập kỷ NATO nỗ lực đưa Moscow xích lại gần hơn.
NATO đang cân nhắc các biện pháp phòng vệ để đối phó với các hành động gây hấn của Nga trong tương lai nhằm vào các quốc gia đối tác. Tổ chức này có thể sớm triển khai một lực lượng chiến đấu quy mô lớn ở Đông Âu.
Tại một cuộc thảo luận ở Mỹ hôm 30/4, ông Vershbow cho hay, NATO có thể triển khai “các hoạt động phòng thủ tới khu vực”.
“Chúng ta cần đẩy mạnh việc hỗ trợ các hoạt động cải cách quốc phòng và hiện đại hóa quân sự tại các nước láng giềng của Nga, không chỉ ở Ukraina mà cả Moldova, Gruzia, Armenia, Azerbaijan”, ông Vershbow nói.
Cựu đại sứ Mỹ tại Nga cho rằng, tổ chức này cũng nên cân nhắc việc “nâng cấp” các cuộc tập trận chung giữa các nước đối tác đồng thời thừa nhận rằng, việc triển khai lực lượng quân sự tới Gruzia sẽ là một động thái gây tranh cãi.
“Phương Tây nên nắm bắt cơ hội và tạo ra tình hình thực tế bằng cách chấp nhận thêm các nước thành viên xin gia nhập NATO và đặt các vũ khí phòng vệ tại các quốc gia có nguyện vọng, chủ yếu là tại Gruzia”, Bộ trưởng Quốc phòng Gruzia Irakli Alasania tuyên bố tại cuộc thảo luận.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết, việc NATO tăng cường lực lượng gần biên giới Nga là “chưa có tiền lệ”. Trước đó, tư lệnh không quân Mỹ phụ trách sự hiện diện quân sự của NATO tại châu Âu cho hay, các binh sĩ Mỹ có thể sớm được triển khai tới khu vực biên giới giữa Ukraina và Nga trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang.
Nhiều tuần trở lại đây, giới chức tại Washington và Kiev đã cáo buộc Nga trong việc Crimea ly khai khỏi Ukraina và tình trạng bất ổn tại miền đông Ukraina. Cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đã tung ra nhiều đòn trừng phạt chống lại Nga. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã bác bỏ các cáo buộc trên và lên án các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tổng thống Nga Vladimir Putin tố cáo Nhà Trắng dàn xếp cuộc khủng hoảng tại Ukraina.
“Tôi cho rằng, những diễn biến tại Ukraina hiện nay cho chúng ta thấy rõ ai thực sự đang nắm tiến trình ở Ukraina. Ngay từ đầu, Mỹ đã lựa chọn việc lấp trong bóng tối”, ông Putin chỉ trích một cách thẳng thừng.