Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Napoleon thời đi học: Giỏi Toán, ham tìm hiểu vĩ nhân

Trong khi bạn bè cùng trang lứa chơi thể thao ngoài trời, Napoleon lại tìm đọc mọi thứ có thể về những nhà lãnh đạo giàu tham vọng nhất của thế giới cổ đại.

Khi đã làm chủ được tiếng Pháp theo yêu cầu tại Autun, đến tháng 4/1779, bốn tháng trước sinh nhật thứ 10 của mình, Napoleon được nhận vào Trường Quân sự Hoàng gia tại Brienne-le-Château ở vùng Champagne, gần Troyes.

Bố ông ra về ngay hôm sau, và vì trường không có các kỳ nghỉ nên hai bố con đã không gặp lại nhau trong ba năm. Napoleon được dạy dỗ bởi Dòng Anh em Hèn mọn của các tu sĩ Francisco với tư cách một trong 50 người được học bổng hoàng gia trong số 110 học sinh.

Thoi di hoc cua Napoleon anh 1

Sách Napoleon đại đế. Ảnh: Omega Plus.

Giỏi Toán, trí nhớ xuất sắc

Cho dù là một học viện quân sự, Brienne vẫn do các tu sĩ quản lý, dù các môn học về quân sự được các giảng viên thỉnh giảng tới giảng dạy. Điều kiện ăn ở rất kham khổ dù không bị đánh đập mỗi học sinh có một đệm rơm và một cái chăn. Khi bố mẹ cậu bé tới thăm vào tháng 6/1782, Letizia đã tỏ ý lo ngại khi thấy cậu trở nên gầy đến thế.

Dù Brienne không được coi là một trong những trường đáng thèm muốn nhất về mặt xã hội trong số 12 trường quân sự hoàng gia được Louis XVI thành lập năm 1776, nhưng nó đã cung cấp cho Napoleon một nền giáo dục tốt.

Tám giờ học mỗi ngày của cậu bao gồm các môn Toán, Tiếng La-tinh, Lịch sử, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Địa lý, Vật lý, Công trình phòng thủ, Vũ khí, Kiếm thuật, Khiêu vũ và Âm nhạc (ba môn học cuối là chỉ dấu cho thấy phần nào Brienne cũng là ngôi trường làm nhiệm vụ hoàn tất việc giáo dục cho giới quý tộc).

Nghiêm khắc về mặt thể chất và đòi hỏi cao về trí tuệ, ngôi trường đã đào tạo nên một số tướng lĩnh rất nổi bật ngoài Napoleon còn có Louis-Nicolas Davout, Étienne Nansouty, Antoine Phélippeaux và Jean-Joseph d’Hautpoul. Charles Pichegru, người sau này sẽ chinh phục Hà Lan và can dự vào âm mưu của phe bảo hoàng, từng là một trong các giảng viên tại trường.

Napoleon rất giỏi toán. “Để trở thành một vị tướng giỏi, bạn phải biết toán”, sau này ông nhận xét, “nó cho phép định hướng suy nghĩ của bạn trong cả nghìn hoàn cảnh". Ông cũng được trí nhớ xuất sắc của mình trợ giúp. “Một điều hiếm có ở tôi là trí nhớ”, ông từng có lần tuyên bố. “Khi còn là một cậu bé tôi đã biết logarit của 30 hay 40 con số”.

Napoleon được phép theo học các lớp Toán sớm hơn độ tuổi quy định là 12, và nhanh chóng làm chủ hình học, đại số và lượng giác. Môn cậu kém nhất là Tiếng Đức, thứ ngôn ngữ cậu không bao giờ làm chủ được; một môn khác cậu học kém, thật đáng ngạc nhiên cho một người yêu thích lịch sử cổ đại đến thế, là Tiếng La-tinh. (Cậu may mắn không phải thi bằng tiếng La-tinh cho tới tận sau năm 1780, đến lúc đó thì đã rõ là Napoleon sẽ gia nhập lục quân hay hải quân chứ không phải Giáo hội).

Napoleon cũng rất giỏi địa lý. Trên trang cận trang cuối cùng của quyển vở bài tập tại trường của mình, tiếp sau một danh sách dài các lãnh thổ thuộc đế quốc Anh, cậu ghi: “Saint-Hélène: đảo nhỏ".

Thoi di hoc cua Napoleon anh 2

Tranh vẽ Napoleon của họa sĩ Antoine-Jean Gros.

Thích tìm hiểu về vĩ nhân

“Lịch sử có thể trở thành trường học về đạo đức và phẩm hạnh cho một người trẻ tuổi”, cáo bạch của trường Brienne viết như vậy. Các tu sĩ tán thành quan điểm lịch sử theo học thuyết Vĩ nhân, giới thiệu các vị anh hùng của thế giới cổ đại và hiện đại để các cậu thiếu niên noi theo.

Napoleon mượn nhiều sách tiểu sử danh nhân và lịch sử từ thư viện trường, đọc ngấu nghiến những câu chuyện kể của Plutarque về chủ nghĩa anh hùng, lòng ái quốc và ý nghĩa của nền cộng hòa.

Cậu cũng đọc Caesar, Cicero, Voltaire, Diderot và Tu viện trưởng Raynal, cũng như Erasmus, Eutropius, Livy, Phaedrus, Sallust, Virgil và tác phẩm viết vào thế kỷ 1 TCN Cuộc đời các tướng lĩnh vĩ đại của Cornelius Nepos, trong đó có các chương viết về Themistocles, Lysander, Alcibiades và Hannibal.

Một trong những biệt danh ở trường của Napoleon - “người Sparta” - có thể đã được gán cho cậu vì sự ngưỡng mộ công khai cậu dành cho thành bang này chứ không phải vì nét khổ hạnh nào đó trong tính cách. Cậu có thể trích dẫn bằng tiếng Pháp nguyên nhiều đoạn từ Virgil, và trên lớp dĩ nhiên cậu đứng về phía người anh hùng Caesar của mình chống lại Pompey.

Những vở kịch cậu ưa thích khi trưởng thành cũng có xu hướng tập trung vào các anh hùng cổ đại, như Alexandre le Grand (Alexander Đại đế), Andromaque, Mithridate của Racine và Cinna, Horace, Attila của Corneille.

Một người bạn cùng lứa nhớ lại Napoleon hay chui vào thư viện trường để đọc Polybius, Plutarch, Arrian (“một cách rất hào hứng”) và Quintus Curtius Rufus (với tác giả này cậu “không thích mấy”).

Bộ Histories (Sử ký) của Polybius thuật lại sự trỗi dậy của Cộng hòa La Mã và cung cấp một bản tường thuật từ nhân chứng tận mắt chứng kiến thất bại của Hannibal và cuộc tàn phá Carthage; bộ Những cuộc đời song hành của Plutarch bao gồm chân dung hai người anh hùng lớn nhất của Napoleon, Alexander Đại đế và Julius Caesar; Arrian viết Cuộc trường chinh của Alexander, một trong những nguồn tư liệu tốt nhất về các chiến dịch của Alexander; Quintus Curtius Rufus để lại tác phẩm duy nhất còn được lưu giữ: Cuốn tiểu sử của Alexander.

Cứ như thế, một chủ đề mạnh mẽ đã hình thành từ quá trình đọc sách thời trẻ của Napoleon. Trong khi bạn bè cùng trang lứa chơi thể thao ngoài trời, cậu lại tìm đọc mọi thứ có thể về những nhà lãnh đạo giàu tham vọng nhất của thế giới cổ đại. Với Napoleon, khao khát muốn noi gương Alexander Đại đế và Julius Caesar không có gì lạ. Việc học tập mở ra cho cậu khả năng là đến một ngày có thể cậu sẽ sánh ngang với những người khổng lồ của quá khứ.

Napoleon được dạy dỗ để đánh giá cao những khoảnh khắc vĩ đại nhất của Pháp dưới thời Charlemagne và Louis XIV, song cậu cũng học được về những thất bại gần đây của quốc gia này trong Chiến tranh Bảy năm tại các trận đánh ở Quebec, Plassey, Minden, và vịnh Quiberon cùng “những cuộc chinh phục lớn lao của người Anh tại Ấn Độ".

Mục đích là để tạo nên một thế hệ sĩ quan trẻ hoàn toàn tin tưởng vào sự vĩ đại của Pháp, đồng thời cũng quyết tâm hạ nhục Anh, quốc gia đang ở tình trạng chiến tranh với Pháp tại châu Mỹ trong phần lớn thời gian Napoleon học tại Brienne.

Sự đối đầu dữ dội của Napoleon với chính quyền Anh thường xuyên bị cho là xuất phát từ lòng căm thù mù quáng hay một tinh thần thù hận kiểu Corse; chính xác hơn, thái độ này có thể được nhìn nhận như là một phản ứng hoàn toàn thích hợp trước thực tế là ở thập kỷ mà ông ra đời, Hiệp định Paris được ký kết năm 1763 đã cắt rời Pháp khỏi đại lục (và cũng là các thị trường) rộng lớn tại Ấn Độ và Bắc Mỹ, và vào thời gian ông ở độ tuổi vị thành niên thì Anh cũng đang bận rộn với việc thuộc địa hóa Australia.

Vào cuối đời mình, Napoleon đã hai lần đề nghị được tới sống tại Anh, và ông từng bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Công tước Marlborough và Oliver Cromwell, song ông lại được nuôi dạy để nghĩ về Anh như một kẻ thù không đội trời chung.

Khi ông đang theo học tại Brienne, có vẻ như vị anh hùng còn sống duy nhất của ông là Paoli đang lưu vong. Một vị anh hùng khác đã qua đời là Charles XII của Thụy Điển, người từng tiêu diệt các đạo quân của bốn quốc gia liên minh chống lại mình từ năm 1700 đến năm 1706, nhưng sau đó tiến quân sâu vào Nga rồi chỉ để bị thất bại thảm hại và buộc phải sống lưu vong.

Andrew Roberts / NXB Thế giới và Omega Plus

SÁCH HAY