Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 40.000 văn nghệ sĩ đồng hành cùng sự phát triển của đất nước

Đồng hành và lớn lên cùng dân tộc, đến nay, đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước đã hình thành lực lượng sáng tạo đông đảo, gồm hơn 40.000 người, tập hợp trong 74 tổ chức.

Nhân dịp gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930-1/8/2020), Zing giới thiệu bài viết của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, đồng thời cũng là người đi tìm hình cho văn hóa của Việt Nam. Những trước tác bất hủ của Người đặt nền móng cho một nền văn nghệ mới.

Đội quân văn hóa trung thành với lý tưởng vì Tổ quốc

Từ những bài ca cách mạng trong cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh đến các hoạt động báo chí công khai và bí mật của Đảng, trong đó, có các bài thơ trong tù của các chiến sĩ cộng sản, nổi bật nhất là nhà thơ Tố Hữu, vừa có sức tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng cách mạng, vừa tiến hành giác ngộ và hình thành đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo đi theo lý tưởng cách mạng.

Đó là đội quân văn hóa của Đảng, trung thành với lý tưởng vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, góp phần rất quan trọng làm nên sức vóc, bề dày văn hóa mới, thỏa mãn và nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần của nhân dân.

Gần nửa thế kỷ qua, đội ngũ văn nghệ sĩ vững bước đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều tác phẩm kết tinh tài năng và tâm huyết của các thế hệ văn nghệ sĩ đã đi vào lòng người, trở thành hành trang tinh thần tri kỷ và quý báu của nhân dân ta.

Đó là những tác phẩm ghi dấu những năm tháng không thể nào quên của đất nước, tầm vóc vĩ đại của nhân dân có sức sống lâu bền, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tự hào về Đảng và Tổ quốc quang vinh, thực sự trở thành thứ lương thực tinh thần cho nhân dân trong chiến đấu và xây dựng, xứng đáng là bạn đường của mọi thế hệ Việt Nam.

Van nghe si dong hanh cung dan toc anh 1

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Đi theo lý tưởng của Đảng, đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta tự nguyện ghép mình trong tư thế người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tình nguyện sống và sáng tạo ở những nơi mũi nhọn của đất nước, những mặt trận gian khổ, ác liệt nhất, cùng xương thịt với nhân dân, thực sự tắm mình trong thử thách cao nhất và coi đó là khát vọng, là hạnh phúc lớn nhất của đời mình.

Nhiều văn nghệ sĩ đã anh dũng ngã xuống như những anh hùng. Cuộc đời và tác phẩm của họ thể hiện trọn vẹn nhân cách nghệ sĩ cách mạng, yêu nước và vì dân.

Đồng hành cùng dân tộc và lớn lên cùng dân tộc, đến nay, đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước đã hình thành một lực lượng sáng tạo đông đảo, gồm trên 40.000 người, tập hợp trong 74 tổ chức thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Từ những điều kiện thô sơ và nhiều thiếu thốn, ngày nay, mặt trận văn nghệ có đủ loại hình nghệ thuật, hoàn chỉnh về đội hình, kế thừa sâu sắc truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc, mạnh mẽ vươn lên chuyên nghiệp và hiện đại, hội nhập tích cực với khu vực và thế giới.

Trong thành tựu chung, các văn nghệ sĩ tiêu biểu đã xuất hiện ở tất cả chuyên ngành văn học nghệ thuật, được trao tặng danh hiệu vinh dự và giải thưởng cao quý. Đến nay, cả nước có 1.858 văn nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, 452 nghệ sĩ nhân dân, 203 giải thưởng Nhà nước và 111 giải thưởng Hồ Chí Minh.

Văn nghệ cần khắc phục nghiệp dư hóa

Bổ sung vào đội ngũ hùng hậu đó, chúng ta rất vui mừng đón nhận thêm một lớp văn nghệ sĩ trẻ, năng động, sáng tạo, đem lại sinh khí và nhiều mới mẻ cho đời sống văn học nghệ thuật. Đó là sự tiếp nối đẹp đẽ và bổ sung quý báu phù hợp quy luật phát triển của văn học nghệ thuật.

Gắn bó với sự nghiệp đổi mới, trong những năm tháng vừa qua, văn học nghệ thuật đã có bước phát triển đột phá về tư duy nghệ thuật, không ngừng mở rộng về đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác, nhiệt thành đề cao, biểu dương những nhân tố mới, những tấm gương lao động và chiến đấu dũng cảm quên mình vì nhân dân.

Không chuyên nghiệp hóa là thụt lùi. Không chuyên nghiệp hóa, công chúng sẽ quay lưng lại với văn nghệ.

Nhà thơ Hữu Thỉnh

Đồng thời, văn học nghệ thuật mạnh mẽ phê phán, lên án mọi cái xấu, cái ác, biểu hiện tha hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng và đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nền tảng tinh thần của đất nước.

Đảng Đoàn, Đoàn Chủ tịch đã tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, mới nhất là Kết luận số 76 ngày 4/6 của Bộ Chính trị, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 của Trung ương khóa XI “Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Nghị quyết của Đảng chính là phương hướng, mục tiêu phấn đấu của văn học nghệ thuật. Chúng tôi nhận rõ cần tiếp tục tổ chức, học tập quán triệt sâu sắc kết luận của Bộ Chính trị, nâng cao nhận thức, chuyển hóa thành hành động thực tế.

Đổi mới phương thức lãnh đạo quản lý, tạo mọi điều kiện để văn nghệ sĩ thâm nhập sâu rộng thực tế sôi động của đất nước, đồng hành mạnh mẽ, gắn bó máu thịt với công cuộc lao động sáng tạo của nhân dân ta trên mọi lĩnh vực của đời sống, nâng cao lòng yêu nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, huy động mọi tài năng để có những tác phẩm có chất lượng cao về học tập làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Văn học nghệ thuật phấn đấu vươn tới tầm cao văn hóa.

Sau hơn 30 năm đổi mới, trình độ dân trí được nâng cao. Nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ văn hóa của nhân dân đã thay đổi rất nhiều. Đó là đòi hỏi khách quan và cấp bách.

Van nghe si dong hanh cung dan toc anh 2

Đội ngũ văn, nghệ sĩ có nhiều đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Giải pháp đột phá của văn học nghệ thuật trước mắt và lâu dài là phải khắc phục nghiệp dư hóa, đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa như nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X đã chỉ rõ.

Không chuyên nghiệp hóa là thụt lùi. Không chuyên nghiệp hóa, công chúng sẽ quay lưng lại với văn nghệ. Phải dồn mọi cố gắng nâng cao chất lượng, hiệu quả trên mọi lĩnh vực, mọi khâu hoạt động làm cho văn học nghệ thuật kết tinh được nhiều tác phẩm có giá trị văn hóa cao hơn nữa. Đó chính là trách nhiệm chính trị và cũng là khát vọng sáng tạo của mỗi văn nghệ sĩ chúng ta.

Với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và sự phát huy nội lực cả đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo, nhất định văn học nghệ thuật nước nhà sẽ bước sang một chặng đường mới, với những mùa bội thu mới, xứng đáng với sự mong đợi của nhân dân.

Tổng kết cuộc thi tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo

Ban Tổ chức xác định được chủ nhân của 198 giải thưởng, gồm 16 giải nhất; 32 giải nhì; 80 giải ba; 128 giải khuyến khích với tổng trị giá giải thưởng là 474 triệu đồng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh

Bạn có thể quan tâm